Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và mảng hậu cần.
Bởi lẽ, các nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) ràng buộc phát triển nghiêm ngặt trong khuôn khổ ESG. Để các doanh nghiệp có thể nhận được nguồn vốn này cũng như các dự án có thể đi vào triển khai, ngoài những quy định tại nước sở tại, ESG tại doanh nghiệp cũng phải được tuân thủ rõ ràng.
ESG được và viết tắt bởi các từ: Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environmental, Social and Governance), và là thuật ngữ được quan tâm hàng đầu bởi các doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây.
Ưu thế mà Việt Nam hiện có để có thể tiếp cận thị trường toàn cầu
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và đặc biệt tập trung vào sản suất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi tổ chức uy tín trong nước.
Trong đó, sản phẩm xanh là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng.
Chia sẻ những ưu thế mà Việt Nam hiện có để có thể tiếp cận thị trường toàn cầu, ông Kiều Huỳnh Sơn – Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP Hồ Chí Minh phân tích, trước hết, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng, như chính trị – xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng…
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp ước thương mại và có quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác thương mại của mình trong khu vực. Điều này giúp làm giảm chi phí xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép và điện tử tới các thị trường toàn cầu. Việc trở thành thành viên của ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTAs) được xem là điểm mạnh cốt yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Là một nhân tố trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam có điều kiện xuất khẩu tất cả các mặt hàng sang các quốc gia trong cộng đồng với mức thuế bằng không. Trong khi đó, các hiệp định thương mại của chính ASEAN với hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới trong vòng 16 năm qua cũng đã đem lại cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với các khu vực khác ngoài ASEAN; tính hiệu lực của các thương vụ này càng được củng cố hơn nữa bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gần đây.
Đặc biệt, những đặc lợi lớn nhất trong vòng 05 năm qua phải kể đến đó là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt nam – châu Âu (EVFTA). Hiệp định CPTPP có hiệu lực, giúp kết nối Việt Nam với 11 nền kinh tế khác ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập từ thấp đến trung bình duy nhất ở châu Á thông qua hiệp định. Mục tiêu dài hạn của hiệp định là nhắm tới sự tự do hóa thuế quan nhưng mục tiêu thiết yếu lại là việc nhắm tới quyền tiếp cận thị trường thông qua lộ trình giảm thuế quan. Việt Nam cũng đang hưởng lợi trong việc mở rộng tiếp cận thị trường Canada và Mexico – hai đối tác mà trước giờ chưa có quan hệ thương mại hợp tác tự do song phương riêng lẻ.
Khuyến khích bà con chuyển sang nông nghiệp tái sinh
Đưa ra ý kiến của mình về kinh nghiệp triển khai ESG từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Digiwin Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu lưu ý, muốn tiến vào thị trường này cần nắm rõ về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – CBAM sẽ được áp dụng triển khai vào tháng 10/2023.
Cùng quan điểm trên, ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của Vietnam Holding Limited (VNH) cho biết, yếu tố ESG và trách nhiệm quản lý ESG ngày càng được các doanh nghiệp trên toàn cầu quan tâm. Điều này càng rõ nét ở Việt Nam, đất nước đang ở bước ngoặt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Về phần mình, ông Hảo Trần, CEO của Vietcetera chia sẻ: “Vietcetera luôn đề cao các hoạt động kinh doanh trách nhiệm và bền vững. Chúng tôi mong muốn mang sức ảnh hưởng và sự đáng tin cậy của mình làm cầu nối, góp phần truyền cảm hứng, và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về kinh doanh bền vững. Từ đó mang đến một tương lai toàn diện hơn và “xanh” hơn tại Việt Nam”.
Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào mô hình nông nghiệp tái sinh, ông Binu Jacob – Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam khẳng định, lâu nay, để tăng năng suất cây trồng, nông dân đã sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu không kiểm soát, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất, nếu để bà con tiếp tục có thể sẽ không còn thực phẩm cho các thế hệ tương lai. Do đó, Nestlé tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi, áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh như một giải pháp giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo thu nhập, hướng đến ngành nông nghiệp bền vững, phát thải thấp.
“Chúng tôi khích khuyến bà con chuyển sang nông nghiệp tái sinh, sản xuất dựa trên chất lượng đất và cây trồng. Nông nghiệp bền vững theo cách tiếp cận của công ty là canh tác thuận tự nhiên và chúng tôi tin rằng phương thức này có thể giúp bảo vệ được hành tinh của chúng ta”, ông Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nhấn mạnh.
Việc phát triển ESG sẽ là chìa khóa trọng tâm trong quá trình dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp nâng cao tính bền vững trong chuỗi cung ứng, không những giảm chi phí, tăng năng suất mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững hỗ trợ tăng trưởng, tranh thủ được cơ hội, cũng như giảm thiểu các thách thức từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển nhanh, bền vững và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới./.
Chi Mai