Theo TTXVN, hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khai thác, phát triển năng lượng tái tạo, trở thành địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt gần 3.500MW.
Ninh Thuận đang chuyển chiến lược phát triển sang mô hình các trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Giai đoạn từ 2021-2030, tỉnh xác định việc phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của cả nước, góp phần trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là năng lượng sạch gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện; điện khí hóa lỏng (LNG). Ngoài ra, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, công suất đạt khoảng 26.500MW, chiếm tỷ trọng khoảng 16% GRDP của tỉnh.
Toàn tỉnh đã có 37 dự án điện mặt trời được tỉnh chấp thuận chủ trương lập dự án với tổng công suất hơn 2.500 MW, diện tích sử dụng đất hơn 3.500 héc-ta, tổng vốn đăng ký gần 68.700 tỉ đồng.
Cũng theo bản tin trên, nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho biết, Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước. Địa phương có 5 khu vực được quy hoạch để sản xuất điện gió, với tổng cộng suất gần 2.500 MW. Khu vực biển Ninh Thuận cũng phát triển điện gió ngoài khơi với tổng công suất ước tính trên 5.000 MW.
Tính đến tháng 3/2021, địa phương có 17 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch; 10 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương lập hồ sơ khảo sát bổ sung; 14 dự án đã đưa vào vận hành thương mại.
Xét về các dự án thủy điện, tỉnh Ninh Thuận có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành; 4 dự án đang triển khai, trong đó, dự án thủy điện tích năng Bắc Ái với tổng suất 1.200MW sẽ đưa vào khai thác và vận hành năm cuối năm 2028.
T.Đào