Sáng 15/3, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo công bố sự kiện Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 tại Việt Nam và chuỗi các hoạt động hưởng ứng sự kiện tại Việt Nam.
Hội đồng Năng lượng Thế giới (gọi tắt là WEC) thành lập năm 1923, là cơ quan năng lượng toàn cầu được Liên hợp quốc công nhận, đại diện cho toàn bộ các dạng năng lượng.
Hiện tại, WEC có đại diện tại Việt Nam, được cấp Giấy chứng nhận hoạt động số 455/HD-CNV ngày 15 tháng 10 năm 2019 và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Năng lượng Thế giới. Ủy ban Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC Việt Nam) là cầu nối, hợp tác bền vững với các tổ chức liên quan đến năng lượng, mục tiêu cuối cùng là cung cấp năng lượng Việt Nam bền vững, tiết kiệm, an toàn, có trách nhiệm và gắn kết quốc tế.
Bà Titathy Nguyễn, đại diện Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC) tại Việt Nam, cho biết: Họp báo nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cho các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam tham gia chương trình mang tầm quy mô toàn cầu và có cơ hội tiếp cận sâu với các vấn đề quan trọng liên quan đến năng lượng trên toàn cầu. Theo bà Titathy Nguyễn, tình hình hiện nay và những cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi tăng tốc đến Net Zero đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội trên tất cả các lĩnh vực.
Tham gia Đại hội Năng lượng Thế giới lần thứ 26, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực năng lượng, các nguồn lực tài chính toàn cầu, từ đó có thể phát triển các giải pháp và sản phẩm sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn giúp doanh nghiệp thúc đẩy sự cạnh tranh quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững. Dựa trên chiến lược WEC toàn cầu góp phần để đủ 1 tỷ người biết đến về năng lượng và môi trường, chuyển đổi 100 triệu việc làm sang nghề nghiệp xanh tăng tốc đến Net zero.
Nhân sự kiện này, WEC Việt Nam phát động chuỗi dự án “Trường kỳ xanh – Bù đắp dấu chân Carbon’’ gồm các chương trình: Truyền thông tín chỉ Carbon, sàn giao dịch Carbon và cộng đồng tín chỉ Carbon toàn cầu; Tham gia Phong trào 1 tỷ cây xanh để đảo ngược khủng hoảng khí hậu toàn cầu; Giải pháp năng lượng bản địa – Khi năng lượng xanh đáp ứng lượng Carbon bù đắp; Dự án cộng đồng “Hành trình Xanh Việt Nam” nhằm tuyên truyền, tư vấn tới cộng đồng tạo tác động xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đồi kép về năng lượng hướng tới mục tiêu quốc gia đến năm 2050…
Đặc biệt, Đại hội Năng lượng Thế giới tại Rotterdam – Hà Lan có sự tham dự và phát biểu, tọa đàm cùng các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng của các quốc gia thành viên về chính sách năng lượng.
Theo ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành, chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu quốc gia của Việt Nam để đạt được cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Bên cạnh đó, năm 2022, Việt Nam đã ký cam kết tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Với những cam kết trên, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của quốc tế về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi tin tưởng với sự hiện diện và những hoạt động tích cực của những tổ chức như WEC Việt Nam sẽ tạo ra những giá trị thiết thực trong việc phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam đạt được các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, ông Trần Đình Quyền cho biết.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu quốc gia của Việt Nam để đạt được cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Bên cạnh đó, năm 2022, Việt Nam đã ký cam kết tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Với những cam kết trên, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của quốc tế về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo./.
Bích Liên