Anh Hoàng Kim, một kỹ sư cơ giới nông nghiệp và nay là một chủ ruộng trồng vài héc ta lúa ở Đồng Tháp, vừa gửi e-mail cho tôi, nội dung đại ý than phiền là báo chí gần đây cứ nói trồng lúa gây phát thải khí nhà kính nhưng không phân tích rõ phát thải ở chỗ nào.
Mà đâu chỉ anh ấy, rất nhiều nông dân trồng lúa ở ĐBSCL hay miền Trung quê tôi vẫn thắc mắc là hơn một năm trở lại đây thấy nhiều tờ báo đăng tin trồng lúa gây phát thải khí nhà kính, trong khi khá nhiều nông dân vẫn còn đang nghĩ mình trồng lúa là giúp hấp thụ khí carbon dioxide (CO2).
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì nông nghiệp là ngành “đóng góp” cao thứ hai vào phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, với khoảng 19% tổng lượng phát thải vào năm 2020, ước tính khoảng 104,5 triệu tấn carbon dioxide tương đương (viết tắt tCO2e). Để cho dễ hình dung, ta cứ tưởng tượng một năm Việt Nam phát thải 5 tấn CO2 thì nông nghiệp góp 1 tấn, cho thấy nông nghiệp gây phát thải khí nhà kính lớn cỡ nào.
Trong nông nghiệp thì sản xuất lúa gạo chiếm tới 48% lượng phát thải, tiếp theo là chăn nuôi (15,3%), bón phân (12,9%), quản lý phân xanh (9,5%) và các hoạt động khác. Một đặc điểm đặc thù của khí thải nông nghiệp là hơn 70% lượng khí thải là khí mê-tan và khí nitơ oxit.
FAO ước tính rằng lượng khí thải carbon từ sản xuất lúa gạo ước tính 44 triệu tấn tCO2e vào năm 2020 và nông dân càng gia tăng sản lượng lúa gạo thì lượng khí phát thải càng tăng theo.
WB cho rằng ở Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi tấn gạo được sản xuất thải ra khí mê-tan tương đương 0,7 tấn CO2. Lượng khí thải mê-tan của Việt Nam cao hơn Trung Quốc và Ấn Độ, ước tính khoảng 0,9 tấn CO2.
Bà con nông dân càng thâm canh trong trồng lúa thì càng tăng phát thải carbon; càng tăng cường tưới nước (3.000–5.000 lít nước cho mỗi kg lúa) và tăng cường bón phân đạm, phốt pho và kali (ước tính khoảng 400 kg/ha) là một số lý do làm tăng cường độ carbon trong sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.
Có 5 nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam là thâm canh không bền vững; bón phân quá mức; sử dụng nước tưới nhiều; quản lý không đúng cách phế/phụ phẩm như rơm rạ và trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp.
Nói nôm na là người trồng lúa chạy theo năng suất, sản lượng nên gieo sạ dày, sạ nhiều vụ, cường độ sử dụng đất cao, tưới quá nhiều nước, bón quá nhiều phân để có năng suất cao, chẳng hạn hiện nay Việt Nam được cho là quốc gia sử dụng phân NPK nhiều nhất khu vực Đông Á tính cho mỗi héc ta đất.
Ngay cả phụ phẩm của lúa như rơm rạ thường được quản lý không đúng cách, điển hình là đốt rơm rạ trên đồng ruộng tạo ra khí nhà kính là 0,7–4,51 g CH4 và 0,019–0,069 g N2O/kg rơm rạ bị đốt cháy, chưa kể khí thải từ việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng cũng gây ra những hậu quả xấu đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
Trồng lúa giảm phát thải chính là một trong những chủ trương lớn của ngành nông nghiệp nhiều năm nay, bởi muốn giảm phát thải, bản chất là tiết giảm chi phí sản xuất đầu vào để tăng thu nhập cho nông dân như giảm phân bón, thuốc sâu, giảm lượng nước tưới, tận dung rơm rạ…
Nhưng, dường như giới truyền thông và không ít người đang “hồ hởi quá đà” khi đăng thông tin và phát ngôn trên truyền thông đại loại là trồng lúa bán được tín chỉ carbon, thậm chí có thông tin “hồ hởi” hơn khi nói một xã ở Dak Lak mà ở đó nông dân đã trồng lúa và bán được tín chỉ carbon.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng về lý thuyết thì trồng lúa tại Việt Nam có thể tham gia bán tín chỉ carbon nhưng đó là một hành trình dài, còn trồng lúa quy mô nhỏ, manh mún, không có quy trình thống nhất nước – phân – giống… như hiện nay thì không thể.
Hành trình dài mà ông Lai nói rõ ràng không hề dễ dàng 5 hay 10 năm tới. Đó là là sản xuất lúa quy mô lớn, nông dân liên kết với nhau với diện tích hàng chục, hàng trăm ngàn héc ta, có quy trình sản xuất từ đầu vào cày bừa gieo sạ tới đầu ra là xay xát ra gạo thành phẩm qua thời gian chứng minh rằng giảm phát thải, từ bỏ tư duy gia tăng chi phí đầu vào để có được sản lượng cao vốn ăn sâu trong nhà nông hàng chục năm qua.
Còn tìm hiểu của người viết chuyện nông dân trồng lúa bán được tín chỉ carbon ở Dak Lak thì ra đó là một mô hình rất nhỏ, chỉ 4-5 héc ta lúa và công ty đang thực hiện với nông dân vẫn chỉ là thử nghiệm để đo đếm ứng dụng phương pháp sản xuất mới có giảm được phát thải hay không.
Thôi thì trước khi mơ tới trồng lúa bán tín chỉ carbon, bà con nông dân có thể trồng lúa giảm phát thải, chính là gia tăng thu nhập bằng cách giảm chi phí cũng là quá thành công trong nông nghiệp.
Hồng Văn