Nông sản sang EU có dấu hiệu chững lại
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, 2023 là năm khó khăn với xuất nhập khẩu nông sản, thương mại nông sản Việt Nam – EU cũng có dấu hiệu chững lại; quý I.2023, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản sang EU đạt 1,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 1,4 tỷ USD).
Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam đã tận dụng được nhiều lợi thế trong xuất khẩu sang EU từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, khách quan mà nói, năm 2023 kinh tế EU gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp trong khi lạm phát cao (hơn 7% ở EU và 6,1% ở khu vực đồng Euro). Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, đồng nghĩa gây khó cho các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU. Về chủ quan, nông sản Việt Nam mạnh về sản lượng nhưng yếu về chất lượng, chưa đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của từng quốc gia nói riêng và của khối EU nói chung.
Đặc biệt, EU đang thảo luận về một “thỏa thuận xanh” nhằm giảm sự rò rỉ carbon do việc nhập khẩu nông sản từ các quốc gia có hệ thống sản xuất sử dụng nhiều carbon, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết. Trong khi đó, phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn quá lớn. Bà con nông dân còn sử dụng quá nhiều phân hóa học (xấp xỉ 12 triệu tấn mỗi năm). Việc quản lý nguồn carbon trong sản xuất và trong tự nhiên của nước ta chưa tốt. Chưa thực hiện tốt quy trình nông nghiệp tuần hoàn, còn sử dụng lãng phí hoặc chưa khai thác hiệu quả của phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, nhận thức về tăng trưởng xanh đã thay đổi nhưng để thực hiện trong sản xuất với quy mô lớn thì còn gặp nhiều khó khăn và còn bất cập trong quản lý và chỉ đạo việc thực hiện.
Phải có tiêu chuẩn xanh cho quy trình sản xuất
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhấn mạnh, sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU phải đáp ứng được các yêu cầu về tăng trưởng xanh và giảm phát thải. Bên cạnh đó, EU rất quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn dịch bệnh, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới.
Trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là tỷ lệ phân bón hữu cơ được sản xuất và tiêu thụ đạt hơn 30%; số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng đạt hơn 30%; chuyển đổi 300.000ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt hơn 2%; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 – 3%…
Để đạt các mục tiêu này, Bộ sẽ tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh; hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái. Thực hiện chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…
Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050, thời gian qua Bộ đã triển khai thực hiện một số dự án carbon rừng, xây dựng Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên giảm phát thải, phát triển bền vững.
Việt Nam cần khẩn trương sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ và đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của khách hàng, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh. Đặc biệt, ông cho rằng phải có “tiêu chuẩn xanh” của quy trình sản xuất và cần có giấy xác nhận. Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị gia tăng từ khâu sản xuất đến tiêu dùng; tổ chức sản xuất với quy mô vùng nguyên liệu lớn; xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu nông sản Việt Nam có uy tín.
Hạnh Nhung