Cà phê phát thải thấp, hay nói chính xác là giảm phát thải khí carbon trong sản xuất cà phê được các chuỗi cà phê lớn trên thế giới cam kết, ưu tiên hướng tới. Theo tính toán của các nhà khoa học, để sản xuất ra một tấn cà phê sẽ phát thải trên 3 tấn carbon. Hiện nhiều mô hình trồng cà phê bền vững tại Việt Nam đã chứng minh có thể giảm được một nửa lượng phát thải trên. Đây chính là cơ hội để cà phê Việt Nam có thêm giá trị trong mắt các nhà rang xay lớn của thế giới.
Thay vì rải phân lên mặt đất, người nông dân bón phân bằng cách chôn lấp, giảm thất thoát, giảm phát thải khí nhà kính. Thay vì dùng phân hoá học, họ tăng cường phân hữu cơ. Canh tác cà phê theo hướng giảm phát thải ngày càng trở nên gần gũi với những người nông dân ở đây.
Anh Nguyễn Đức Minh – HTX Cà phê Ea Tân, Tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Giảm thiểu phân bón hóa học sẽ giảm được chi phí, bảo vệ môi trường”.
Ông Đoàn Văn Thống – HTX Cà phê Ea Tân, Tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, giá trị gia tăng tức là được cộng thêm tiền, tuổi thọ của cây cà phê được bền vững hơn.
Nhìn từ trên cao, diện tích cà phê ở đây khá đặc biệt. Nó được thiết kế 3 tầng: tầng cao là cây chắn gió, che nắng; tầng giữa là cây cà phê, tầng dưới cùng là thảm thực vật. Cà phê được trồng theo mô hình cảnh quan sẽ giúp vườn cà phê tiết kiệm nước tưới, ứng phó thời tiết khô hạn mùa nắng nóng ở Tây Nguyên.
Anh Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nông nghiệp Bền vững, Công ty TNHH Simexco Đắk Lắk nhận định: “Mặc dù ở nhiệt độ Tây Nguyên hiện nay rất nóng, những có che bóng, vườn cà phê vẫn mát, cảm nhận cây cà phê rất xanh. Trái cũng nhiều”.
Thông thường để sản xuất 1 tấn cà phê sẽ phát thải từ 3 – 3,5 tấn CO2. Năm 2022, vùng nguyên liệu của công ty Simexco Đắk Lắk đã chứng minh được việc giảm thải khí nhà kính tới một nửa con số trên. Mục tiêu đến năm 2025, trên vùng trồng cà phê của họ sẽ giảm 25% lượng nước tưới, 15% lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng 30% thu nhập của người trồng cà phê.
Anh Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nông nghiệp Bền vững, Công ty TNHH Simexco Đắk Lắk nêu ý kiến: “Áp dụng những tiêu chí để giảm thiểu carbon cũng như chôn chân carbon, người nông dân Việt Nam làm được, ngành cà phê cũng chứng minh được. Tất cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước nếu có tâm và có sự đầu tư, đồng hành với người nông dân là chủ thể để sản xuất cây cà phê thì lượng carbon của ngành cà phê sẽ thu lại được lợi nhuận rất cao”.
Ngay từ mùa vụ này, những hạt cà phê trồng tại đây khi xuất khẩu sang châu Âu sẽ được cộng thêm 50 USD/tấn trong quá trình giảm phát thải. Đây là những thành quả dành cho những người đi tiên phong dám biến thách thức thành cơ hội, từ đó góp phần phát triển ngành cà phê tại đây bền vững hơn.
(VTV)