Sáng 06/12, tại Hà Nội, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển đô thị bền vững và trung hòa carbon tại Việt Nam, với sự tham gia, trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Cần tích hợp đô thị xanh và đô thị thông minh
Khái quát những nguyên nhân gây ra BĐKH, dự báo xu hướng cũng như đề xuất giải pháp cần thiết để đạt được mục tiêu Net Zero, PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương – Phó giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do BĐKH và áp lực từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đô thị không chỉ là trung tâm phát triển kinh tế – xã hội, mà còn là nơi chịu tác động lớn nhất của các vấn đề môi trường như: ngập lụt, ô nhiễm không khí, di cư đô thị…
Chính vì thế, việc xây dựng các đô thị theo hướng trung hòa carbon không chỉ là mục tiêu của riêng Việt Nam mà còn là xu thế tất yếu trên toàn cầu, trong đó đô thị trung hòa carbon là mô hình được thiết kế và vận hành với mục tiêu giảm thiểu và cân bằng lượng phát thải khí nhà kính.
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương, để đô thị đạt Net Zero cần có các tiêu chuẩn cao hơn và khó đạt được hơn so với đô thị hướng đến trung hòa carbon. Tuy nhiên, cả hai mô hình này đều quan trọng trong bối cảnh BĐKH hiện nay và sự lựa chọn mô hình sẽ phụ thuộc vào nguồn lực, năng lực và mức độ cam kết của từng đô thị. Trước mắt, cần tích hợp giữa đô thị xanh và đô thị thông minh, đây là việc cần phải thực hiện để đạt được đô thị trung hòa carbon.
Đối với thực trạng đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về: tăng trưởng phát thải, chất thải rắn đô thị, công trình không hiệu quả năng lượng, quản lý đô thị thiếu thông minh… PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương đã đưa ra xu hướng, dự đoán nhiều kịch bản và những tác động của BĐKH tới Việt Nam trong tương lai, trên cơ sở đó đề xuất nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050: (1) Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế thu hút tài chính; (2) Phát triển nguồn năng lượng tái tạo; (3) Thành lập trung tâm năng lượng tái tạo Quốc gia; (4) Thúc đẩy giảm phát thải giao thông, khí nhà kính; (5) Phát triển nông nghiệp sinh thái, carbon thấp; (6) Bảo vệ phục hồi tài nguyên; (7) Đầu tư hạ tầng, đô thị thích ứng BĐKH; (8) Thúc đẩy ngoại giao khí hậu, thu hút nguồn lực quốc tế; (9) Quản lý và lập kế hoạch phát triển đô thị bền vững là then chốt để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ khu vực đô thị; (10) Vai trò của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương cũng cho rằng, cần có quy định bắt buộc sử dụng VLXD bền vững trong các công trình xây dựng; Tận dụng các nguồn tài trợ quốc tế cho các dự án đô thị xanh, thông minh; Hợp tác với các đô thị “Net Zero” để chia sẻ kinh nghiệm; Thúc đẩy các ứng dụng IoT, AI trong giám sát và quản lý năng lượng, giao thông, và chất thải; Hỗ trợ khởi nghiệp về công nghệ xanh và năng lượng tái tạo; Đưa giáo dục về BĐKH và đô thị bền vững vào chương trình học; Tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý đô thị…
Khung hướng dẫn và định hướng phát triển đô thị hiệu quả
Chia sẻ quan điểm về chuyển đổi xã hội – sinh thái ở các thành phố hướng tới phát triển đô thị trung hòa carbon, bà Pranziska Schmidtke – Giám đốc Dự án Khí hậu và năng lượng tại châu Á – FES Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Các đô thị của Việt Nam ngoài việc đang phải đối mặt với BĐKH, còn chịu áp lực bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, sự tăng trưởng dân số cũng như vấn đề phát thải… gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.
Trong quá trình hợp tác với AMC, FES đã xây dựng một khung hướng dẫn và định hướng phát triển đô thị hiệu quả cho các nhà quản lý, quy hoạch, người chịu trách nhiệm triển khai các chương trình phát triển đô thị. Khung hướng dẫn bao gồm các nội dung: xác định mục tiêu, tầm nhìn, phạm vi muốn triển khai thực hiện; xác định ưu tiên nhiệm vụ; xây dựng và triển khai các giải pháp; huy động và phân bổ nguồn lực; phân công trách nhiệm và tạo lộ trình thực hiện.
Bà Pranziska Schmidtke cũng đề xuất các giải pháp chính giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu Net Zero như: (1) Nâng cao nhận thức và cung cấp đào tạo về khả năng phục hồi khí hậu; (2) Tăng cường chính sách và năng lực thể chế; (3) Thúc đẩy quan hệ đối tác công tư để huy động nguồn lực; (4) Khuyến khích áp dụng công nghệ xanh trong các khu vực đô thị; (5) Thúc đẩy hợp tác quốc tế để chia sẻ kiến thức và tài trợ.
Phát triển đô thị lấy TOD là trung tâm và thúc đẩy công trình xanh
Chia sẻ những công nghệ và giải pháp hữu hiệu cho phát triển đô thị trung hòa carbon tại Việt Nam, ông Douglas Lee Snyder – Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam nêu bật các ưu điểm trong thiết kế thụ động và chủ động cho đến các yêu cầu về nhận thức xã hội, các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển các công trình xanh.
Theo đó, có thể kể đến các phương án thiết kế thụ động trong các công trình giúp kiểm soát nhiệt hiệu quả như: hệ thống thông gió tự nhiên, các lam che nắng, kính Low-e, kính thông minh giúp giảm hấp thụ bức xạ mặt trời trực tiếp (SHGC).
Hay giải pháp kỹ thuật thông qua tỷ lệ 35 – 40% diện tích cửa sổ so với diện tích tường cũng giúp phát huy hiệu quả lớn trong việc giảm bức xạ mặt trời. Cũng có thể cân nhắc làm mát địa nhiệt hay sử dụng AI cho hệ thống quản lý tòa nhà để tiết kiệm tối ưu năng lượng…
Đặc biệt, cần định hướng phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) và giao thông xanh giúp con người di chuyển nhanh, thuận lợi.
Ngoài ra, có thể tận dụng mọi hình thức năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt, trí tuệ nhân tạo trong quản trị số để hỗ trợ lập kế hoạch mô phỏng và quản lý năng lượng.
Cuối cùng, vòng đời và lượng phát thải trong cơ sở hạ tầng công cộng nên được cân nhắc như: thép được tái chế; bê tông ít carbon (thay thế xi măng); bê tông phi kết cấu có khả năng trữ carbon; bê tông cường độ cao để giảm thể tích… Bởi vật liệu là nguồn phát thải nhiều nhất, nếu thay thế được các nguồn vật liệu phát thải carbon thấp như việc tận dụng xỉ, tro để làm gạch hoặc làm bê tông để giảm lượng phát thải carbon từ các công trình.
Trước bối cảnh các vấn đề về môi trường và BĐKH tại các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt như hiện nay, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh cho rằng, nhu cầu cấp thiết về việc thay đổi nền tảng tư duy phát triển đô thị là rất cần thiết để đảm bảo được sự phát triển bền vững cho lĩnh vực kiến trúc đô thị và đất nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu áp dụng cho phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam.
Từ đó, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên đưa ra định hướng phát triển đô thị trung hòa Carbon như: Xây dựng đô thị nén và không gian mở; Giao thông xanh: phát triển giao thông công cộng; Quy hoạch năng lượng hiệu quả; Ứng dụng công nghệ cao: theo dõi và giảm phát thải; Phát triển mảng xanh: cải thiện hấp thụ CO2.
PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên kỳ vọng, với sự hỗ trợ của các tổ chức, các chương trình quốc tế đang được triển khai tại Việt Nam, các chính sách của nhà nước, các chương trình nghiên cứu của các viện nghiên cứu, sự quyết tâm của cả cộng đồng… vấn đề phát triển đô thị bền vững, trung hòa carbon của Việt nam sẽ sớm được định hình và đi vào cuộc sống.
Thu Thảo
[…] Vũ Phương, Phó giám đốc Học viện quản lý xây dựng và Đô thị bên lề Hội thảo Quốc tế về phát triển đô thị bền vững và trung hòa các-bon tại Vi… được tổ chức mới đây tại Hà […]