Chiều 18/6, nhằm tiếp tục có những đóng góp hữu ích vào quá trình thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ xanh, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến Net Zero 2050”.
Nhiệm vụ phát triển giao thông đường bộ xanh càng trở nên cấp thiết
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, gần 3 năm trước (tháng 11/2021), tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt; nhiều năm đã đánh dấu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng…, ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Là một trong những nguồn phát thải lớn, ngành giao thông vận tải không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam. Đặc biệt, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vì vậy, nhiệm vụ phát triển giao thông đường bộ xanh càng trở nên cấp thiết.
“Phát triển giao thông đường bộ xanh này không chỉ nhằm góp phần thực hiện cam kết Net Zero mà còn là cơ hội để ngành giao thông vận tải hiện đại hóa, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới”, Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim nhấn mạnh.
Không khó để nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã rất quan tâm thúc đẩy các giải pháp nhằm giảm phát thải. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành (tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, ban hành tháng 7/2022) với các mục tiêu, lộ trình thực hiện, nhiệm vụ và giải pháp hết sức rõ ràng, cụ thể.
Qua hội thảo này, Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim mong muốn, các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia thảo luận, làm rõ vai trò của giao thông đường bộ xanh trong hành trình tiến tới Net Zero; chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc giảm phát thải ở ngành giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng; đặc biệt là đề xuất các giải pháp giúp ngành giao thông vận tải cắt giảm phát thải hiệu quả đối với lĩnh vực đường bộ. Chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid – xe lai điện đang là một trọng tâm hiện nay. Vậy cần có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ nào và sự chuẩn bị về hạ tầng, năng lượng ra sao để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này? Bên cạnh đó, kỷ nguyên công nghệ số hiện nay có thể mang đến những giải pháp mới giúp giảm phát thải khí carbon, khí metan một cách hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ?
“Dự kiến tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Đường bộ. Ý kiến thảo luận, chia sẻ của các diễn giả hôm nay chắc chắn sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng như với Chính phủ trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về giao thông đường bộ, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.” -Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim
Khuyến khích đưa xe điện, xe hybrid thay thế xe xăng trong hoạt động vận tải đường bộ
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, ngành giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn. Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta, ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy; điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra khiến môi trường trở nên ngột ngạt. Do đó, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.
Thảo luận về các giải pháp giúp cắt giảm phát thải hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe bus điện, là những trọng tâm. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có thêm các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích đưa xe điện, xe hybrid thay thế xe xăng trong hoạt động vận tải đường bộ. Cùng với đó, phải phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ như trạm sạc, cơ sở bảo dưỡng; đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ xe điện, xe hybrid khi lượng xe này được sử dụng nhiều.
Đặc biệt, các đại biểu cũng nhấn mạnh kỷ nguyên công nghệ số và kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo đã mang đến các giải pháp mới, giúp lĩnh vực giao thông đường bộ đạt được hiệu quả kép – cả về kinh tế và môi trường. Thời gian qua, nhờ công nghệ số, nhiều hãng vận chuyển đã tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên trên tất cả lĩnh vực kinh doanh và vận hành; ví dụ như các tính năng ghép đơn hàng để giảm các chuyến đi không cần thiết. Hoặc, dịch vụ chia sẻ chuyến xe không chỉ giúp hành khách tiết kiệm chi phí mà còn tăng hiệu quả vận hành của từng chuyến xe và từ đó giảm phát thải ở mức thấp nhất. Từ thực tế này, các quy định, chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi phát triển loại hình vận tải mới trong nền kinh tế chia sẻ nhằm góp phần phát triển giao thông đường bộ xanh, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Song Hà