Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo
Việt Nam có định hướng rất rõ trong chuyển dịch năng lượng xanh và đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tháng 11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực, đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam từng bước chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn.
Tại cuộc họp về năng lượng tái tạo hôm 8/1, ông Đinh Văn Tôn, cán bộ phòng năng lượng tái tạo của Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) dẫn chứng về những chính sách quan trọng để Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới:
“Chính sách đầu tiên là phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý, đồng bộ với phát triển lưới điện và quy hoạch phát triển điện lực, phù hợp với trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong từng thời kỳ.
Chính sách này phải ưu tiên vì trong giai đoạn vừa qua, năng lượng tái tạo phát triển rất nhanh trong khi lưới điện chưa đáp ứng khả năng giải tỏa công suất. Có cơ chế ưu đãi đặc biệt hỗ trợ cho từng loại hình nguồn điện, trong đó có các dự án thủy điện nhỏ và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi”.
Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về phát triển điện mặt trời với công suất 17 GW vận hành từ năm 2020. Những năm qua đã có hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, tương đương với gần 50% tổng công suất điện mặt trời, góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Đây là một phần của Dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp có sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ). Ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ chia sẻ về những hỗ trợ của cơ quan này cho Việt Nam trong phát triển điện mái nhà:
“Về kỹ thuật, chúng tôi hỗ trợ nghiên cứu về tái chế tấm quang điện và các khuyến nghị chính sách, tăng cường tái chế tấm quang điện như thế nào kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi phân tích khung pháp lý và khuyến nghị các quy định liên quan đến điện mặt trời mái nhà, giám sát và điều khiển từ xa điện mặt trời mái nhà cũng như tiềm năng kinh tế – kỹ thuật của điện mặt trời tự sản tự tiêu tại các tòa nhà công sở và nhà dân ở Việt Nam”.
Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức còn hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân thực thông qua các khóa đào tạo, khóa học trực tuyến; cải thiện cơ sở thông tin của Tập đoàn điện lực Việt Nam, xây dựng mô hình dự báo điện mặt trời mái nhà….
Đan Mạch trong một thời gian dài luôn là quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển và khai thác điện gió ngoài khơi với nhiều chính sách, cơ chế và thực tiễn vững chắc. Đây cũng là quốc gia đã tận dụng “miễn phí” thành công năng lượng xanh để làm sạch cơ cấu năng lượng của quốc gia.
Điện gió ngoài khơi đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia này, và Đan Mạch đặt mục tiêu trở thành quốc gia độc lập vào nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.
Ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam chia sẻ về những chính sách hỗ trợ điện gió ngoài khơi của quốc gia này:
“Chính phủ Đan Mạch đã xây dựng một khung chính sách và cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ đối với ngành điện gió ngoài khơi. Sau khi xây dựng được nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi thông qua các mức thuế hấp dẫn, các dự án thí điểm và các hỗ trợ khác từ phía chính phủ, Đan Mạch hiện đã có thể triển khai hệ thống đấu thầu cạnh tranh để phân bổ các dự án điện gió ngoài khơi.
Quá trình này giúp đảm bảo chi phí thấp nhất có thể cho các dự án điện gió ngoài khơi, tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu rủi ro tài chính. Bên cạnh đó, Đan Mạch còn sử dụng cơ chế Hợp đồng mua bán điện dài hạn có khả năng huy động vốn quốc tế nhằm đảm bảo nguồn vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi và giảm thiểu rủi ro tài chính”.
Ông Stuart Livesey nhấn mạnh, để có được những thành công trong phát triển điện gió ngoài khơi, Chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng lưới điện, đặc biệt tích hợp các trang trại điện gió ngoài khơi vào lưới điện quốc gia và quốc tế, phân phối và bán điện trong phạm vi Đan Mạch và phát lên lưới điện thông minh để cung cấp cho cả khu vực Bắc Âu.
Trong dài hạn, Đan Mạch mong muốn phát triển các đảo năng lượng. Những trung tâm này sẽ thu thập năng lượng từ nhiều trang trại điện gió ngoài khơi và truyền tải nó đến đất liền, để phối hợp sản xuất năng lượng xanh quy mô lớn và tập trung hóa được việc xây dựng, vận hành & bảo trì dự án.
Trung tâm năng lượng gió North Sea là một dự án quan trọng nằm trong sáng kiến này, dự kiến sẽ đi vào vận hành vào đầu những năm 2030 và đóng vai trò như một đầu mối trung tâm cho việc phân phối năng lượng.
Chuyên gia độc lập Đào Nhật Đình cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên, Việt Nam cần lựa chọn những công nghệ và mô hình phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với điều kiện thực tế, chứ không nên áp dụng một cách máy móc:
“Trong quy hoạch điện VIII đã ghi rất rõ, phải có điện khí mới hỗ trợ được tích hợp năng lượng tái tạo cao hơn. Có 2 kinh nghiệm của Đan Mạch và Đức họ đạt được tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, nhưng họ có kết nối với mạng lưới châu Âu rất tốt. Khi họ mất điện gió, Châu Âu bù lại điện hạt nhân từ Pháp sang”.
Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu để Việt Nam chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh. Tuy nhiên, việc lựa chọn những công nghệ, mô hình phát triển năng lượng tái tạo cần dựa trên nhu cầu, điều kiện thực tế, cơ sở hạ tầng của từng địa phương để làm sao phát huy hiệu quả, tránh sự lãng phí.
Phù hợp với tiềm năng và mạng lưới điện
Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng công suất nguồn điện năm 2024 của cả nước là 82.387MW, trong đó nguồn điện từ năng lượng tái tạo 37.988 MW, tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mới chỉ chiếm khoảng 26% trong cơ cấu các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao và Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển điện gió, điện mặt trời. Vậy cần làm gì để có thể thu hút đầu tư và từng bước nâng cao thị phần điện năng lượng tái tạo ?
Chính phủ và các Bộ ngành cần rà soát những vướng mắc, bất cập trong chính sách hiện tại và có sự điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong phát triển năng lượng tái tạo.
Để có thể thuận lợi trong huy động tài chính, huy động nguồn lực xã hội và quốc tế cho các dự án phát triển nguồn và lưới điện, các chính sách, cơ chế đưa ra phải đảm bảo vừa có tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư nhưng đảm bảo sự phát triển bền vững.
Cụ thể, Nhà nước sớm ban hành cơ chế giá điện, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư tham gia các dự án năng lượng tái tạo. Trong điều kiện, các nhà đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm và có những hạn chế về nguồn vốn, cần xem xét bổ sung các quy định khuyến khích sự liên danh, liên kết giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, có quy định ràng buộc về chuyển giao công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng vật tư thiết bị cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm xây dựng, hoàn thiện quy hoạch không gian biển; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, hướng dẫn đảm bảo tính linh hoạt của nhà máy điện xây dựng mới.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện cao. Mặc dù có những lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, nhưng cần phải xây dựng cơ cấu phát triển các nguồn năng lượng mới phù hợp với tiềm năng và quy hoạch ngành điện.
Công tác dự báo về công suất, nhu cầu phát điện của năng lượng tái tạo cần được quan tâm hơn, cũng như tăng cường khả năng dự báo thời tiết. Trên cơ sở đó, lựa chọn đầu tư, xây dựng và phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại các vùng, miền, địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đảm bảo đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện để tránh lãng phí, thất thoát, không để xảy ra tình trạng “nơi cần không có, nơi có không cần”.
Những dự báo này còn có ý nghĩa quan trọng trong đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao tham gia quá trình xây dựng, phát triển, vận hành hệ thống năng lượng hiện đại, tham gia nghiên cứu và từng bước chuyển giao và làm chủ công nghệ ở một số khâu phù hợp
Đối với các dự án năng lượng tái tạo xây dựng ở những vị trí chiến lược quan trọng, việc lựa chọn các chủ đầu tư, thực hiện những dự án điện gió ngoài khơi cần gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia.
Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, cần chuyển dịch mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đầu tư, xây dựng các dự án năng lượng tái tạo là xu thế chung, nhưng nguồn điện này thiếu sự ổn định do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Do vậy, Việt Nam vẫn cần đẩy nhanh các dự án thủy điện, điện khí đang bị chậm tiến độ và xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối, hạ tầng dự trữ nguồn năng lượng tái tạo, để đảm bảo sự ổn định nguồn cung và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.
Hải Hà