Sự cần thiết của bộ lưu trữ năng lượng
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ huy động điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) cho toàn hệ thống điện đạt hơn 14,1%. Theo Quy hoạch điện VIII, điện năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển mạnh trong giai đoạn tới. Nguồn điện này dự kiến đạt 30,9 – 39,2% tổng nguồn cung điện vào năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050 đạt 67,5 – 71,5%, phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0.
Việt Nam sở hữu nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào, nhờ có bờ biển dài hơn 3.000 km và đặc thù khí hậu gió mùa. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn điện này trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ngoài vấn đề nguồn vốn đầu tư lớn, cơ chế giá mua bán điện chậm được ban hành, hệ thống truyền tải điện chưa theo kịp công suất phát điện của một số khu vực, đã bộc lộ rõ trong thời gian qua, thì còn một vướng mắc khác là sự lệch pha cung – cầu, xuất phát từ đặc thù của nguồn năng lượng.
Các nhà máy điện mặt trời chỉ có thể phát điện trong khung giờ từ 7 – 17h và đạt đỉnh công suất trong khoảng 11 – 14h30, tùy vào vị trí địa lý. Trong khi đó, giờ cao điểm phụ tải là 9 – 11h và 14 – 16h vào mùa hè/17-19h vào mùa đông.
Điều này dẫn tới một lượng lớn công suất điện năng lượng tái tạo trong thời điểm công suất đạt đỉnh bị dư thừa, gây lãng phí và ngược lại, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện trong giờ cao điểm.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tính tới giải pháp lưu trữ điện. Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 (EVNPECC3) đã nghiên cứu về việc ứng dụng bộ lưu trữ năng lượng (BESS) cho các dự án điện năng lượng tái tạo và thiết kế cho một số dự án. Theo EVNPECC3, việc ứng dụng hệ thống BESS tại các dự án năng lượng tái tạo mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư và cơ quan điều độ điện.
Tuy vậy, do chi phí cao nên các doanh nghiệp điện mặt trời chưa đẩy mạnh đầu tư. Trong tương lai, nếu có cơ chế về giá điện tốt thì việc phát triển BESS rất phù hợp và hiệu quả với xu hướng năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ cũng như giảm phát thải CO2 tại Việt Nam.
Bà Sunita Dubey, Đại diện Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP), có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng khuyến nghị, để hóa giải các thách thức liên quan đến công suất sử dụng điện tái tạo, Việt Nam nên sớm có chính sách phát triển hệ thống năng lượng lưu trữ, còn gọi là pin lưu trữ.
Bà Sunita nhận xét, nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đang phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam. Trong khi đó, tại miền Bắc, điện vẫn thiếu ở một số thời điểm nắng nóng đỉnh điểm. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và gió của Việt Nam đạt khoảng 20,1 GW. Đây là công suất đáng kể, nhưng việc tận dụng hoàn toàn công suất từ những nguồn năng lượng sạch này vẫn khó, do hạn chế trong mạng lưới truyền tải và phân phối điện.
GEAPP mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tập trung vào ba mảng: năng lượng tái tạo, mở rộng quy mô hệ thống lưu trữ năng lượng điện (BESS) và công nghệ.
Động lực tăng trưởng dài hạn
Trên thị trường chứng khoán, hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực điện năng lượng tái tạo, trong đó có thể kể đến như Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG), Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã PC1)…
Quý II/2023, tổng sản lượng điện của Bamboo Capital đạt 182,6 triệu kWh, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng điện của riêng tháng 7/2023 đạt hơn 70 triệu kWh, tăng 32,9% so với cùng kỳ, nhờ 114 MW công suất còn lại của Nhà máy điện Phù Mỹ được đưa vào vận hành thương mại.
Năng lượng cũng là mảng đóng góp quan trọng vào con số 1.816 tỷ đồng doanh thu và 176 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của Bamboo Capital trong nửa đầu năm 2023. Công ty đang vận hành nhà máy điện mặt trời BCG Long An 1, BCG Long An 2 và Phù Mỹ, BCG Vĩnh Long, gần 20 MW điện mặt trời áp mái.
Hiện Công ty đang hoàn thiện dự án điện mặt trời Krong Pa 2 tại tỉnh Gia Lai với tổng công suất thiết kế là 49 MW và triển khai các dự án điện gió tại Cà Mau và Trà Vinh. Dự kiến, tới năm 2025, tổng sản lượng phát điện của BCG Energy đạt 2 GW.
Tại Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7% nhờ sản lượng điện cải thiện. Cụ thể, doanh thu REE 6 tháng đầu năm đạt 2.174 tỷ đồng, tăng 7% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 623,4 tỷ đồng. Theo Công ty Chứng khoán KB, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm của REE tăng nhờ sản lượng điện cải thiện so với cùng kỳ của các nhà máy điện gió và điện mặt trời.
REE đang mở rộng danh mục đầu tư năng lượng tái tạo. Tại Trà Vinh, Công ty và Tập đoàn Trường Thành đã liên danh với các nhà đầu tư Nhật Bản (Kumagai Gumi, Kansai, Inpex) đề xuất thực hiện dự án phát triển 1.800 MW điện gió ngoài khơi.
Dự án bao gồm giai đoạn 1 của dự án Nhà máy điện gió Trường Thành, công suất 800 MW tại V4-2A, V4-2B và nhà máy điện gió REE Trà Vinh, công suất 1.000 MW. Các dự án đã có tên trong danh mục tiềm năng thuộc Đề án Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt. Định hướng phát triển này của REE được đánh giá hợp lý với định hướng của Chính phủ về phát triển nguồn điện, tận dụng được lợi thế và kinh nghiệm của REE trong mảng này.
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong năm 2023 – 2024, tình trạng dư thừa công suất điện mặt trời ở miền Nam dần được hấp thụ, hỗ trợ bởi tăng nhu cầu sử dụng điện tại các thủ phủ công nghiệp trọng điểm tại khu vực này trở lại trạng thái tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc nâng cấp lưới truyền tải sẽ giúp giảm thiểu tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời.
Tuy nhiên, việc cải thiện sản lượng điện năng lượng tái tạo sẽ không đáng kể vì về cơ bản các nhà máy đang được huy động gần tối đa tiềm năng. Triển vọng của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo nằm ở khả năng phát triển dự án, điều mà hiện tại vẫn chưa được xảy ra do những vướng mắc về chính sách giá.
Về tình hình thực hiện thủ tục các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Tập đoàn EVN cho biết, đến cuối tháng 8/2023, đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó có 67 dự án tổng công suất (3.849,41 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.
Hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán. Sản lượng điện lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm được công nhận vận hành thương mại đến ngày 25/8/2023 đạt khoảng 357 triệu kWh.
Việc tháo gỡ những vướng mắc về chính sách giá kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, như nhận định của bà Sunita Duber, “Việt Nam sẽ phát huy tốt tiềm năng của năng lượng tái tạo với hệ thống lưu trữ năng lượng điện”.
Hải Minh