Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBCKNN với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC với các nội dung hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tài chính xanh vì một nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam.
Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính do UBCKNN xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và các đối tác liên quan giúp các DN thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn, đáp ứng các quy định của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến công bố thông tin về khách hàng và chuỗi cung ứng, bắt đầu hành trình hướng tới phát thải ròng bằng “0”.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN kỳ vọng việc ban hành Sổ tay hướng dẫn về việc kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính sẽ giúp DN xác định và quản lý rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội hành động mới nhờ làm nổi bật những cải thiện có hiệu quả chi phí mà trước đó chưa được chú trọng tới. Đây cũng là một cấu phần thiết yếu trong lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng “0” và là nền tảng đầu tiên của mọi chiến lược bền vững của DN.
“Hiện nay, không ít DN lúng túng trong việc lập báo cáo về vấn đề này. Do đó, cuốn sổ tay gần như là “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn các DN từng bước một để có thể đưa ra báo cáo chuẩn mực, tuân thủ các quy định của Thông tư 96 của Bộ Tài chính trong việc lập báo cáo liên quan đến phát thải khí nhà kính”, lãnh đạo UBCKNN nói.
UBCKNN đang rất tích cực trong việc đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết của Việt Nam tại các hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, hiện thực hóa thông điệp “cùng nhau hành động” với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận cùng với các nước trong khu vực và quốc tế, hiện thực hoá các kế hoạch phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm vốn xanh; đẩy mạnh việc báo cáo, công bố thông tin phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon của nền kinh tế và đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị Khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26).
Để thực hiện cam kết này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó mạnh mẽ, trong đó có quy định về trách nhiệm của các thành phần kinh tế xã hội đối với kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính.
Huy Thắng