Sáng 27/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) kiêm Cố vấn đặc biệt của Nội các Nhật Bản Maeda Tadashi.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch JBIC kiêm Cố vấn đặc biệt của Nội các Nhật Bản Maeda Tadashi có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2023). Đây là dịp quan trọng để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác Nhật Bản – ASEAN nói chung.
Chủ tịch HĐQT JBIC Maeda Tadashi cho biết, bản thân đã nhận nhiệm vụ làm cố vấn triển khai các sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản liên quan đến việc thúc đẩy trung hoà carbon. Ông cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 1/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố sáng kiến “Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á” (AZEC).
Mục đích của Sáng kiến AZEC nhằm thúc đẩy hợp tác xây dựng Cộng đồng chung châu Á về giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững, phù hợp với thực tế ở các nước châu Á. Bên cạnh đó, Khối G7 cũng đang tập trung triển khai sáng kiến về Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Theo ông Maeda Tadashi, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam lần này, phía Nhật Bản đã đề xuất và mong muốn Việt Nam sớm thành lập Nhóm công tác chung thực hiện AZEC để có các hành động triển khai cụ thể. Đồng thời, mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong công tác triển khai các hoạt động này.
Cảm ơn những chia sẻ của ông Maeda Tadashi về những vấn đề quan trọng liên quan đến năng lượng và chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chuyển đổi năng lượng là quá trình tất yếu, khách quan, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và mang tính chất toàn cầu.
Xuất phát từ quan điểm đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm mục đích của chuyển đổi năng lượng ở bất cứ quốc gia nào cũng cần phải đặt mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng lên hàng đầu. Đồng thời, khẳng định chuyển đổi năng lượng phải là quá trình công bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích và chi phí, không chỉ đối với Nhà nước, người tiêu dùng, gồm cả người dân và doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, do đây là vấn đề mang tính toàn cầu thì các nước đang phát triển như Việt Nam cần có hỗ trợ từ quốc tế, trong đó có ba hỗ trợ căn bản gồm hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật; hỗ trợ về công nghệ và kĩ thuật; và hỗ trợ về tài chính.
“Nếu không có những hỗ trợ này thì quá trình chuyển đổi thì các nước đi sau các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ rất khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Cùng với việc chia sẻ những quan điểm cơ bản về an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam và cá nhân mình ủng hộ mọi sáng kiến về chuyển đổi năng lượng đem lại lợi ích chung toàn cầu và mỗi quốc gia. Việt Nam đang nỗ lực cùng các đối tác để nghiên cứu, triển khai các hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các sáng kiến này.
Việt Nam đánh giá cao sáng kiến AZEC của Nhật Bản và nhận thấy nội dung của sáng kiến này có nhiều điểm phù hợp với điều kiện tình hình cụ thể và mục tiêu mà Việt Nam đang thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình về sự cần thiết thành lập Nhóm công tác AZEC trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 9 và cho biết Quốc hội Việt Nam sẵn sàng cử các đại biểu Quốc hội, thành viên các Ủy ban của Quốc hội tham gia.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Việt Nam và Nhật Bản nên có những hợp tác thực chất hơn nữa để duy trì, gây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng mang tính chiến lược, đặc biệt là chuỗi cung ứng về năng lượng.
Đồng thời, cho rằng với vai trò của mình, JBIC có thể nghiên cứu tài trợ cho các dự án, chương trình hợp tác trong lĩnh vực điện sinh khối, chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo… thông qua cơ chế bảo lãnh, bảo hiểm thay cho bảo lãnh Chính phủ nhằm đáp ứng được nhu cầu đầu tư, giải quyết bài toán về nợ công và bội chi ngân sách.
Bình An