Cách đây vài năm, khá nhiều học sinh phổ thông có ấn tượng với cái tên Lê Mạnh Linh – một trong những học sinh Việt thành công nhất mùa tuyển sinh đại học quốc tế. Linh có thành tích đầy thuyết phục: điểm tuyệt đối chứng chỉ TOEFL, liên tiếp giành giải học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh lớp 11, 12, hay nổi bật với vai trò trưởng ban tổ chức các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn cho học sinh cấp 3 trên toàn quốc.
So với bạn bè đồng trang lứa, Linh gây được chú ý từ nhiều đại học hàng đầu trên thế giới nhờ có khả năng định hình, định vị bản thân từ rất sớm. 18 tuổi, anh bay nửa vòng trái đất sang Mỹ theo học hai ngành Quan hệ quốc tế và Công nghệ hóa sinh tại Đại học Yale danh giá.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân và có được công việc ổn định trong lĩnh vực năng lượng, mới đây, Linh nhận được thư thông báo trúng tuyển vào chương trình nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Harvard.
Lê Mạnh Linh liên tiếp theo học tại hai ngôi trường hàng đầu thế giới – Đại học Yale và Đại học Harvard. Trong 5 năm tiếp theo, anh sẽ tham gia nghiên cứu điện hóa học và các ứng dụng giúp tổng hợp các hợp chất hữu cơ có giá trị công nghiệp cao.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, “giá trị xã hội” và “phát triển bền vững” là hai cụm từ mà nhà nghiên cứu trẻ nhắc đến nhiều nhất.
Công dân Việt Nam, công dân toàn cầu
Điểm lại con đường học vấn của mình, Linh ngẫm nghĩ: “Từ nhỏ, giáo dục đại cương dường như đã truyền đạt cho trẻ em Việt Nam một quan niệm rằng, tỷ trọng GDP nông nghiệp càng cao thì đất nước càng ít phát triển. “Thoát nghèo” thường được hiểu là thoát ly khỏi cuộc sống ở nông thôn. Khi trưởng thành, đứng giữa hai lựa chọn bảo tồn những giá trị truyền thống hay tìm kiếm những giá trị mới, nhiều người trẻ đã chọn con đường phát triển”.
Lê Mạnh Linh đam mê nghiên cứu năng lượng tái tạo. Cũng từng trăn trở giữa hai hướng đi, sau thời gian học tập và công tác ở Mỹ, kỹ sư trẻ đã tìm được lĩnh vực giúp anh cân bằng giữa phát triển kinh tế và gìn giữ tài nguyên.
Giải thích về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo đối với sự phát triển bền vững, anh chỉ ra, nếu khả năng tiếp cận năng lượng và cải thiện hạ tầng xã hội đi đôi với nhau, thì việc sử dụng các năng lượng nước, gió và mặt trời không thải ra chất độc hại sẽ giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới môi trường.
Đối với tân nghiên cứu sinh Harvard, khả năng tiếp cận năng lượng là một trong những chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn cho con người.
“Từ khi còn nhỏ, tôi đã chứng kiến trên ti vi, báo đài thấy đời sống khó khăn của những huyện vùng sâu, vùng xa vì thiếu điện, thiếu nước. Tôi chứng kiến đời sống của ông bà, họ hàng ở làng quê Thanh Hóa ngày một ấm no, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tôi hiểu đặc quyền của bản thân khi sinh ra và lớn lên ở nơi đô thị”, Mạnh Linh bộc bạch.
Dù sống ở Hoa Kỳ, anh vẫn luôn nhìn về Việt Nam để mường tượng hướng đi của mình, hướng về phúc lợi xã hội. Anh theo dõi cuộc sống ở quê nhà qua internet và nhận thức được tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với nông dân, ngư dân Việt Nam. Mẹ của Mạnh Linh là viên chức làm bảo hiểm và ngân hàng nông nghiệp nên cũng thường xuyên trao đổi với con trai về những trải nghiệm với người làm nông.
Linh hiểu rằng, để nông thôn thích ứng với hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, việc tạo ra năng lượng hay các hóa chất có giá trị nông nghiệp cao mà không gây hậu quả xấu cho môi trường, khí hậu là vô cùng quan trọng.
Sau khi tốt nghiệp Yale, Mạnh Linh bắt đầu công việc nghiên cứu tại công ty khởi nghiệp công nghệ Prometheus Fuels. Nhóm kỹ sư của công ty mong muốn cho ra đời các phương pháp sản xuất năng lượng tái tạo mà không thải chất độc hại ra môi trường. Điều đặc biệt, phương pháp này còn lọc CO2 từ khí quyển, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và sử dụng nguyên liệu thay thế năng lượng từ nguồn hóa thạch.
Linh nhận định: “Chính là tư duy tiên tiến và khác biệt của công ty đã truyền cảm hứng cho tôi tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu khoa học ứng dụng. Tôi chọn làm nghiên cứu sinh để tìm ra cách sản xuất năng lượng có giá cả phải chăng, dễ nhân rộng và dễ tiếp cận. Tôi muốn nghiên cứu này có thể đóng góp vào đời sống sản xuất của nông dân Việt Nam, giúp bà con thực hành canh tác hiện đại, an toàn”.
Tìm kiếm phương pháp sản xuất năng lượng bền vững
Mạnh Linh đã xác định hướng nghiên cứu cho dự án tiến sĩ của mình: thay vì tiếp tục tập trung vào carbon như công việc hiện tại tại Prometheus Fuels, anh chuyển sang nghiên cứu về khí ni-tơ. Anh quyết tâm phát triển phương pháp điện hóa học để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu amoniac trong công nghiệp và nông nghiệp. Mục tiêu của Mạnh Linh là tạo ra các công nghệ bền vững hơn, có khả năng thay thế các hệ thống đắt đỏ hiện nay.
Về mặt kỹ thuật, Linh đã nắm rõ về phản ứng Haber-Bosch, một quy trình quan trọng giúp tổng hợp amoniac từ ni-tơ trong không khí. Phản ứng này được coi là một bước đột phá khoa học từ năm 1909 khi nhà hóa học người Đức Fritz Haber phát hiện ra cách tổng hợp amoniac, nguyên liệu chính trong phân bón, giúp nuôi sống gần nửa dân số trái đất đến ngày nay.
Tuy nhiên, theo Mạnh Linh, quá trình này tiêu tốn lượng lớn năng lượng, cần nhiệt độ và áp suất rất cao để tổng hợp amoniac, lại sử dụng năng lượng từ nguồn hóa thạch nên không tái tạo được. Các sản phẩm phụ của phản ứng Haber-Bosch cũng không đưa ra khí amoniac nguyên chất mà thường lẫn hợp chất nitrat, khi bón vào đất tươi sẽ gây hại đến sức khỏe đất.
Đây chính là thách thức hiện nay của ngành năng lượng toàn cầu: để sản xuất ra năng lượng, cần tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ hơn. Do đó, giải pháp công nghệ điện hóa học mà Mạnh Linh sẽ theo đuổi là hướng tiếp cận đột phá nhằm tối ưu hóa mọi khía cạnh của phản ứng tạo ra amoniac, hy vọng sẽ thay thế được chu trình Haber-Bosch.
Một điểm đột phá so với phương pháp truyền thống, phản ứng của Mạnh Linh sử dụng nguyên liệu nhóm khí thải ni-tơ oxit – một trong những loại khí thải độc hại nhất và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người (gây ra mưa axit và là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính). Kết quả của quá trình phản ứng này sẽ là amoniac nguyên chất và một số phụ phẩm có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất xăng hay dược phẩm. Toàn bộ quá trình đều sử dụng năng lượng tái tạo để tổng hợp chất hữu cơ, không gây tác động xấu đến môi trường.
Đi xa để trở về
Khi còn học cử nhân, Lê Mạnh Linh dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học thuần túy. Tuy nhiên, Linh sớm nhận ra rằng, bản thân anh vẫn luôn tìm lĩnh vực nghiên cứu vừa mở ra cơ hội trở về quê hương làm việc, vừa có tiềm năng thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Anh quyết định chuyển hướng sang ngành khoa học ứng dụng, nghiên cứu các giải pháp sát với nhu cầu thực tiễn, có thể góp phần giải quyết những thách thức lớn của xã hội.
Linh chia sẻ: “Tôi ở Mỹ khá lâu và cũng quan sát thấy nhiều vấn đề xã hội nổi cộm của quốc gia này. Nhưng do không phải công dân Mỹ, tôi không cảm thấy mình ở vị trí có thể gây tác động trực tiếp tới cộng đồng nơi tôi sinh sống. Sau khi hoàn thành chương trình học, tôi muốn về nước để cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam”.
Tân nghiên cứu sinh Harvard kỳ vọng câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng đến các bạn trẻ có chung mối quan tâm đến phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường. Mạnh Linh gửi gắm thông điệp: trong khả năng của mình, hãy hành động với mục tiêu xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Hãy suy nghĩ về những giá trị xã hội, những di sản bạn muốn để lại cho thế hệ sau. Hãy nhìn xa hơn về tầm ảnh hưởng của những việc bạn làm, đừng để 20 năm sau phải nhìn lại và hối hận vì mình đã lãng phí tuổi trẻ. Điều quan trọng là người trẻ cần đặt mình trong cộng đồng lớn hơn, giá trị xã hội sẽ là động lực thúc đẩy bạn nỗ lực tìm ra những sáng kiến có tác động bền vững”, anh nói.
Giới trẻ ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo. Mạnh Linh khuyến khích các bạn trẻ không nên giới hạn bản thân ở một lĩnh vực mà hãy cởi mở học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau – đi ngang và khám phá, trước khi đi sâu vào một chuyên ngành. Bởi chỉ khi có sự đa dạng trong kiến thức và hành động, chúng ta mới có thể đối mặt và giải quyết được những thách thức phức tạp của thế giới hiện đại.
Quỳnh Chi