Lika – một miền đất xinh đẹp của Croatia nay lại trở thành biểu tượng của du lịch bền vững không chỉ dựa vào những gì sẵn có mà còn nhờ những sáng kiến táo bạo và hành động bền bỉ. Điều gì đã biến một nơi kinh tế nhỏ lẻ tự cung tự cấp thành điểm trải nghiệm phải ghé thăm của những người yêu thiên nhiên và văn hóa ẩm thực? Câu trả lời nằm ở một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc.
Lika là một tỉnh ở Croatia nằm bên bờ biển Andriatic. Là tỉnh miền núi lớn nhất về diện tích nhưng lại thưa dân nhất với mật độ chỉ chưa đến 8 người trên mỗi kilomet vuông. Bù lại, Lika nổi tiếng với Vườn quốc gia hồ Plitvice – vườn quốc gia lâu đời nhất ở khu vực Đông Nam châu Âu và cũng là vườn quốc gia lớn nhất và được khách du lịch ghé thăm nhiều nhất trong cả nước.
Điểm đến Lika chính là lõi sinh thái của Croatia, một vùng kiến tạo giàu đá các-tơ (karst), đa dạng sinh học, phong cảnh thiên nhiên kỳ vỹ đại diện cho một kho báu chưa được khám phá luôn thu hút những người yêu thiên nhiên.
Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, điểm đến Lika còn có một nền ẩm thực độc đáo với các sản phẩm chỉ có trong ốc đảo sinh thái này. Cây trái đa dạng, thiên nhiên được bảo tồn và nhiệt độ có lợi là chìa khóa để Lika có các sản phẩm vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe. Lika là vùng nông nghiệp nổi tiếng ở Croatia, nhiều trang trại gia đình chăn nuôi và trồng các loại cây quả rau quả đặc trưng theo lối truyền thống. Người dân địa phương có truyền thống tụ tập để cùng làm các sản phẩm bơ sữa hay xay bột làm bánh. Các cuộc tụ tập này thường đi kèm với ăn uống và khiêu vũ, đặc biệt là vào buổi tối, với điệu nhảy điệu nhảy tròn (Croatia kolo) nổi tiếng. Ẩm thực địa phương thì có đồ uống, chẳng hạn như rượu hoa quả, rượu vang và cà phê hoặc các món ăn như phô mai mềm (vrhnje), hạt kê nấu nhuyễn polenta, dăm bông núi, xúc xích ớt bột, lợn sữa quay hoặc thịt cừu sốt kem. Người dân ở đây tự hào rằng bất kể đó là loại thực phẩm nào, nếu nó được sản xuất tại Lika, nó sẽ có vị độc đáo chân thực nhất.
Với truyền thống ẩm thực đáng nể như vậy, nhưng các trang trại gia đình cũng vẫn chỉ làm ra thịt và rau quả để chủ yếu tiêu thụ loanh quanh tại địa phương, chưa tận dụng các cơ hội do thị trường du khách mang lại để tạo thêm thu nhập. Các hộ sản xuất địa phương không được giới thiệu về cơ hội du lịch và chưa biết quảng bá sản phẩm của mình, chưa biết sử dụng công nghệ như website, e-mail, mạng xã hội, công cụ tiếp thị, v.v.. Họ bán sản phẩm của mình tại cửa nhà, không định mở rộng sản xuất và bán hàng trong các cửa hàng hoặc tại các điểm du lịch. Trên thực tế, cộng đồng, kinh tế, văn hóa ẩm thực của địa phương đã đứng ngoài cuộc, chưa tham gia và chưa làm nên hình ảnh du lịch bền vững cho khu du lịch nổi tiếng này.
Vấn đề, đồng thời là cơ hội này đã được Cụm Điểm Đến Lika (Lika Destination Cluster), một tổ chức xúc tiến du lịch phát hiện ra, và họ đã vào cuộc.
Cụm Điểm Đến Lika đã tập hợp và làm việc với các đối tác có tham gia vào hoạt động du lịch ở Lika, bao gồm các công ty du lịch, dịch vụ lữ hành, sở du lịch, cơ quan quản lý khu bảo tồn và các đối tác khác liên quan và quan tâm đến việc đẩy mạnh du lịch và nâng cao hình ảnh du lịch Lika. Kết quả là họ đã cùng nhau đưa ra các sáng kiến và kế hoạch hành động rất cụ thể hướng tới nhấn mạnh lợi thế văn hóa ẩm thực địa phương và xây dựng hình ảnh một điểm du lịch bền vững.
Sáng kiến có 2 mục đích: thứ nhất, giúp cộng đồng địa phương nắm bắt được các cơ hội do du lịch mang lại và học các kỹ năng cần thiết để tiếp cận thị trường du lịch hiện đại và bền vững; và thứ hai là tạo ra một thương hiệu dễ nhận biết để thu hút du khách và các doanh nghiệp khác, thể hiện sự quan tâm đến trải nghiệm ẩm thực địa phương. Mục tiêu dài hạn là thiết lập khu vực này như một điểm ẩm thực cần trải nghiệm.
Họ làm như thế này:
Vào tháng 9 năm 2015, Cụm Điểm Đến Lika đã khởi động một dự án lớn về phát triển kinh tế toàn diện mang tên INTEGRA LIKA 2020. Mục tiêu của dự án này là xây dựng thương hiệu cho điểm đến của Lika và bờ biển Sub-Velebit trở nên dễ nhận biết toàn cầu và thân thiện với môi trường với hệ thống kinh tế cộng đồng tự quản – một dự án được định hướng bằng triết lý phát triển bền vững. Đây là một dự án 5 năm nhằm xây dựng thương hiệu Lika như một điểm đến bền vững độc đáo.
Họ đã dựng lên một hệ thống chất lượng khu vực cho thực phẩm, đồ uống và đồ lưu niệm truyền thống địa phương dưới tên Lika Quality (Chất lượng Lika) đem đăng ký bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tiếp đến, họ triển khai các khóa đào tạo, mỗi năm 10 khóa khác nhau, cho cộng đồng về sáng kiến chất lượng, cách đăng ký tham gia và cách kinh doanh đúng cách du lịch bền vững. Cách làm là trực tiếp, cầm tay chỉ việc và theo từng món sản phẩm cụ thể, những kiến thức thực chiến về bao bì, đóng gói, tiếp thị, quảng cáo, vv.. Họ xây dựng các câu chuyện hấp dẫn gắn với từng sản phẩm, rồi lên kế hoạch tiếp thị và hỗ trợ cộng đồng đưa câu chuyện và giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội và tạo hiển thị ưu tiên trên internet. Chất lượng Lika thực sự là một dự án phát triển bền vững, bởi vì nó được thiết kế để các cộng đồng địa phương có thể sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương. Bằng cách này, quãng đường vận chuyển ngắn hơn và lượng khí thải carbon được tự động giảm. Điều quan trọng hơn là nó đảm bảo sinh kế và việc làm cho người dân địa phương.
Song song với xây dựng năng lực cho cộng đồng, Cụm đã triển khai quảng bá hình ảnh khu vực Lika như một điểm đến ẩm thực phải đến để trải nghiệm; lập một trang web mới với thông tin phong phú về hệ thống, nhà sản xuất và sản phẩm; kết nối các hộ gia công và sản xuất địa phương với các đơn vị du lịch tại điểm đến; liên kết với hợp tác xã LIKA COOP và các tổ chức cộng đồng giới thiệu và quảng bá các sản phẩm. Trong đại dịch COVID-19, các hộ sản xuất được hỗ trợ thiết lập bán hàng trực tuyến cũng như bán sản phẩm tại chỗ.
So với tình trạng trước đây khi hầu hết các hộ sản xuất bán sản phẩm chủ yếu ngay trước cửa nhà, hầu hết không có tài liệu quảng cáo, không tìm được thông tin về họ trên các công cụ tìm kiếm Internet, thì nay đã khác hẳn. Trang web của Cụm Điểm Đến Lika đã có đủ thông tin về tất cả các nhà sản xuất, hầu hết đều có tài liệu quảng cáo, thường xuyên cập nhật trang của họ trên mạng xã hội, địa phương còn tổ chức các hội chợ và các sự kiện xúc tiến để họ làm quen với nhau và giới thiệu nhau. Biển hiệu Chất lượng Lika sẽ cho phép các sản phẩm từ các trang trại địa phương có mặt nhiều hơn trên thị trường.
Ngày nay, hệ thống chất lượng Lika được công nhận ở Croatia và trong khu vực (Bosnia và Herzegovina, Slovenia). Hệ thống đã cho kết quả tuyệt vời: Các hộ sản xuất địa phương đã liên kết với các tổ chức khác trong hệ sinh thái du lịch (khách sạn, nhà hàng, công viên quốc gia, cửa hàng lưu niệm, v.v..) để cùng giới thiệu và truyền thông về phát triển bền vững. Các sản phẩm bền vững của Lika đã lan tỏa đến Vườn quốc gia Paklenica và sắp tới ở Vườn quốc gia Bắc Velebit. Bằng cách này, các trang trại gia đình đã tham gia trực tiếp vào sự phát triển du lịch, khách du lịch bây giờ có cơ hội thưởng thức các sản phẩm bản địa và họ cũng làm tăng nhu cầu cho các sản phẩm đó. Đây chính xác là hướng đi mà hệ thống chứng nhận Lika Quality hướng tới.
Thành công lớn nhất chính là thay đổi trong nhận thức, cách suy nghĩ và làm việc. Nay các hộ sản xuất không chỉ nghĩ về sản phẩm của họ, mà còn về thương hiệu Chất lượng Lika, cũng như về các hộ sản xuất khác. Vượt ra ngoài việc tạo ra sản phẩm chất lượng, nay họ đã chú ý tới quảng bá tiếp thị.
Các nỗ lực liên tục và cụ thể như vậy đã đem đến kết quả đầy khích lệ và có thể đo đếm được. Đó là thương hiệu Lika hiện được công nhận trên toàn quốc và trong khu vực. 57 nhà sản xuất hiện đang tham gia vào chương trình này, sản xuất 157 sản phẩm thuộc 11 loại khác nhau. Các điểm bán hàng mang nhãn Chất lượng Lika đã được lập tại các điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở Croatia. Hiện tại, các nhà hàng đang được hướng dẫn để đạt tiêu chuẩn treo nhãn Chất lượng Lika để tiếp tục xây dựng thương hiệu và giới thiệu toàn vùng như một điểm đến ấm thực chất lượng cao và bền vững.
Hệ thống chất lượng Lika thực sự là minh chứng cho triết lý phát triển bền vững, đó là kích thích sản xuất và tiêu dùng địa phương, đảm bảo việc làm cho người dân và trang trại gia đình của họ, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bảo tồn và phát huy sản phẩm và ngành nghề truyền thống, cộng đồng và các nhà sản xuất địa phương được tham gia vào hệ sinh thái du lịch bền vững.
Vào cuối năm 2020, Lika đã thành công lớn khi nằm trong TOP 100 điểm đến bền vững trên thế giới. Cần nhấn mạnh ở đây rằng sự công nhận này không đến vì cây xanh và thiên nhiên tuyệt đẹp mà Lika có rất nhiều, mà vì sáng kiến “Sản phẩm địa phương thúc đẩy phát triển điểm đến bền vững“, hay còn gọi là dự án Chất lượng Lika mà Cụm Điểm Đến Lika đã triển khai trong việc xây dựng thương hiệu Lika như một điểm đến bền vững. Chất lượng Lika đã trở nên dễ nhận biết và thường được trích dẫn như một ví dụ về thực tiễn thành công khắp cả nước, nhiều địa phương khác cũng muốn phát triển một hệ thống theo mô hình của Lika và đã đến đây để học hỏi kinh nghiệm.
Thành công rõ ràng của sáng kiến Chất lượng Like đã làm nổi lên một loạt các bài học hay, đó là:
Bài học 1 – Hỗ trợ trực tiếp, sâu sát và thiết thực cho cộng đồng, các hộ sản xuất địa phương để xây dựng lên trải nghiệm địa phương đích thực, đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời tạo dựng được chuỗi cung ứng địa phương, mở rộng truyền thông bằng trang web và các kênh mạng xã hội cho phép mọi đối tượng dễ dàng giao tiếp.
Bài học 2 – Các cơ quan và tổ chức quản lý điểm đến (DMO) chủ động tạo thuận lợi và tạo không gian (ví dụ như chợ, quảng trường, khu công cộng) cho phép các cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ kinh doanh nhỏ có thể thiết lập kênh bán hàng để tiêu thụ các sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà mục đích cuối cùng là tạo đầu ra ổn định;
Bài học 3 – Bằng các hệ thống như vậy, DMO đảm bảo rằng nền kinh tế du lịch có thể giúp bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng;
Bài học 4 – Ở cấp quốc gia, các vùng khác nhau có thể được phân biệt thông qua quảng bá và tiếp thị các đặc điểm độc đáo của sản phẩm nổi bật từ văn hóa bản địa, góp phần vào sự hấp dẫn đa dạng của điểm đến nói chung.
Thành công của sáng kiến “Chất lượng Lika” không chỉ đơn thuần là việc nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương mà còn là minh chứng cho sức mạnh của đồng lòng, của sự kết nối giữa thiên nhiên và con người. Hơn cả một điểm đến du lịch, Lika đã trở thành biểu tượng của sự bền vững, của lòng tự hào và của những giá trị truyền thống được thăng hoa trong một định hướng mới – du lịch bền vững. Thành công của Lika không chỉ mang lại niềm tự hào cho người dân Croatia mà còn gửi gắm một bài học quý giá cho chúng ta. Việt Nam, với bề dày văn hóa và tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết, hoàn toàn có thể học hỏi từ sáng kiến này. Bằng cách tôn vinh những giá trị truyền thống và thúc đẩy du lịch bền vững, chúng ta có thể biến những điều bình dị thành niềm tự hào của cả một quốc gia.
Phan Mạnh Tuấn – chuyên gia, NetZero.VN