Trong cuộc trao đổi với Bloomberg hôm 25/1, Pornanong Budsaratragoon, Tổng thư ký của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan (SEC), cho biết SEC sẽ cung cấp chi tiết và quy định đầy đủ về quỹ tín thác đầu tư xanh vào giữa năm nay sau khi có ý kiến đóng góp từ nhiều bên liên quan. Bà nói các quỹ tín thác đầu tư xanh này ban đầu sẽ bị giới hạn ở các khoản đầu tư vào các dự án liên quan đến rừng, giúp ra thu nhập từ tín chỉ carbon.
“Quỹ tín thác mới sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm tài chính xanh ngoài trái phiếu và các khoản vay. Quy trình chào bán sản phẩm của các quỹ này cũng sẽ được sắp xếp hợp lý hơn nhiều so với chứng khoán có thu nhập cố định”, bà Budsaratragoon nói.
Thái Lan đã đặt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, tạo ra làn sóng đầu tư trong cả khu vực công và tư nhân vào những lĩnh vực giúp giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, giới chức trách bắt đầu giám sát kỹ lưỡng hơn sau một số dự án lớn bị phát hiện tuyên bố quá mức về lợi ích đối với việc bảo tồn sinh thái và giảm phát thải khí nhà kính.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, triển khai sàn giao dịch tín dụng carbon đầu tiên, có tên gọi FTIX. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, đại diện cho 12.000 công ty tư nhân trên 45 lĩnh vực, là cơ quan điều hành FTIX.
Ngân hàng Thế giới (WB) đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng tính toán quá mức tín chỉ carbon và gian lận trắng trợn bằng cách thực hiện các quy trình giám sát và xác minh chặt chẽ hơn, cùng với những biện pháp khác.
Liên quan đến vấn đề này, bà Budsaratragoon cho biết, SEC sẽ thiết lập quy tắc để đảm bảo quỹ tín thác đầu tư xanh tuân thủ các số liệu phát thải và đánh giá tín chỉ carbon từ các cơ quan được chứng nhận. Bà nói thêm, SEC cũng đang thúc đẩy các công ty địa phương huy động vốn cho các dự án xanh thông qua hình thức phát hành mã thông báo kỹ thuật số (digital token) và các tài sản kỹ thuật số khác.
Hiện tại, Thái Lan có khoảng 16,3 triệu hecta rừng tự nhiên và 5,2 triệu hecta rừng thương mại. Những khu rừng này có thể hấp thụ 100 triệu tấn carbon, tương đương với lượng carbon thải ra ở Thái Lan vào năm 2021. Để đạt được mục tiêu Net-Zero, Thái Lan sẽ cần trồng thêm 4,5 triệu hecta rừng tự nhiên và rừng thương mại.
Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp tham gia các dự án trồng rừng để bán tín chỉ carbon hiện nay bỏ túi phần lớn lợi nhuận kiếm được và chỉ chia cho cộng đồng một phần nhỏ.
Somboon Kamhaeng, Chủ tịch Ủy ban điều phối các tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan, cho biết, tính đến tháng 9/2022 có 17 công ty nhận được giấy phép để phát tiển tín chỉ carbon tại vùng rừng ngập mặn của Thái Lan.
Một hợp đồng giữa một trong những công ty này và cộng đồng địa phương cho thấy cộng đồng ban đầu nhận được 200.000 baht và sẽ được trả 450 baht (12,6 đô la Mỹ) cho mỗi rai (0,16 hecta) đất rừng mà họ duy trì như một bể hút carbon. Tuy nhiên, đây chỉ là năm đầu tiên. Từ năm thứ hai đến năm thứ 30, thu nhập của công ty sẽ giảm hơn một nửa xuống chỉ còn 200 baht mỗi rai.
Theo tính toán của Tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan, cộng đồng cuối cùng sẽ chỉ nhận được 20% lợi ích trong khi công ty trên sẽ bỏ túi 70%, chỉ để lại 10% cho Cục Tài nguyên biển và duyên hải Thái Lan, cơ quan có nhiệm vụ bảo tồn rừng ngập mặn.
Somboon cho rằng cộng đồng phải mất hàng thập niên để phát triển một khu rừng ngập mặn tươi tốt, nhưng lợi ích thực tế sẽ chỉ thuộc về công ty liên quan.
Phát biểu tại hội nghị hành động khí hậu Thái Lan vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Srettha Thavisin nhấn mạnh, Thái Lan đã cam kết đẩy nhanh các hành động nhằm giảm 30-40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Tuy nhiên, ông lưu ý, sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân là cần thiết để đạt được mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Ông vạch ra các hướng dẫn để phát triển nền kinh tế bền vững, như thúc đẩy sử dụng xe điện, tăng cường triển khai năng lượng tái tạo, thúc đẩy trồng lúa ít carbon và triển khai tài chính xanh.
Ông cho biết thêm, chính phủ đã đưa ra các biện pháp tài chính trị giá hơn 450 tỉ baht để đầu tư vào nền kinh tế xanh và phân loại xanh, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư hơn 1,6 nghìn tỉ baht (45 tỉ đô la Mỹ) vào các doanh nghiệp hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Như một phần trong chiến lược phát triển bền vững của Thái Lan, hồi tháng 12, SEC tổ chức lễ ra mắt 22 quỹ tương hỗ mới để hỗ trợ các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Động thái này diễn ra sau khi SEC phê duyệt các tiêu chí mới cho các quỹ ESG ở Thái Lan.
Theo đó, các quỹ ESG phải đầu tư vào trái phiếu Thái Lan hoặc cổ phiếu niêm yết của các công ty Thái Lan đáp ứng các yêu cầu về công bố thông tin phát thải khí nhà kính và mục tiêu giảm thiểu phát thải hoặc những công ty có hiệu quả bền vững môi trường vượt trội. Các nhà đầu tư vào quỹ ESG có thể khấu trừ tới 100.000 baht (2.800 đô la Mỹ) từ hóa đơn thuế đối với số tiền đầu tư không vượt quá 30% thu nhập của họ. Các khoản đầu tư ESG duy trì trong ít nhất 8 năm sẽ được miễn thuế lãi vốn.
“Xu hướng đầu tư theo chủ đề ESG ngày càng mạnh mẽ. Các quỹ trên khắp thế giới đều có đánh giá ESG và các tiêu chí cụ thể trong quyết định đầu tư. Đó cũng là một phần trong cam kết của chúng tôi về mục tiêu Net-Zero với tư cách một quốc gia”, Kobsak Pootrakool, Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức thị trường vốn Thái Lan (FETCO), nói.
Chánh Tài (Theo Bloomberg, Nikkei Asia, Thai PBS World)