Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) có báo cáo Triển vọng Năng lượng Quốc tế 2023 đánh giá các xu hướng năng lượng dài hạn trên toàn thế giới đến năm 2050.
Theo đó, so với những năm trước, hệ thống năng lượng toàn cầu đã thay đổi. Những bối cảnh cho thay đổi này là các chính sách năng lượng mới, sự chuyển dịch sang các công nghệ không phát thải carbon, mối quan tâm về an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế.
Nỗ lực toàn cầu
Khoa học đã chứng minh, để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh có thể sống được, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Trái đất hiện nay đã ấm hơn khoảng 1,1 độ C so với cuối những năm 1800, trong khi lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng lên. Để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C như mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris, thế giới cần phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) vào năm 2050.
Một liên minh gồm nhiều quốc gia, thành phố, doanh nghiệp và các tổ chức khác đang cam kết đạt phát thải ròng bằng 0. Hơn 70 quốc gia, bao gồm cả những nước gây ô nhiễm nhất thế giới như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra mục tiêu Net Zero, chiếm khoảng 76% lượng khí thải toàn cầu.
Bên cạnh đó, hơn 1.200 công ty đã đưa ra các mục tiêu dựa trên khoa học phù hợp với lộ trình Net Zero. Hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 tổ chức giáo dục và hơn 400 tổ chức tài chính đã tham gia chiến dịch “Race to Zero” (cuộc đua đến Net Zero), cam kết hành động một cách nghiêm túc, khẩn trương nhằm giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.
Tiêu thụ năng lượng tăng nhanh hơn
Theo những tính toán của báo cáo, lượng CO2 phát thải liên quan đến năng lượng trên toàn cầu tiếp tục tăng trong tất cả các kịch bản tính toán của báo cáo. Những dự báo của báo cáo cho thấy, sự hạn chế về nguồn, nhu cầu và chi phí công nghệ sẽ thúc đẩy chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng phi hóa thạch. Nhưng những chính sách hiện tại không đủ để làm giảm phát thải liên quan đến năng lượng.
Điều đó chủ yếu do dân số tăng, nền kinh tế một số khu vực chuyển dịch sang sản xuất nhiều hơn, và tiêu thụ năng lượng tăng do mức sống tăng lên. Trên quy mô toàn cầu, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh hơn hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra, báo cáo cũng dự báo, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia phát thải CO2 liên quan đến năng lượng lớn nhất đến năm 2050. Tiếp theo đó, Ấn Độ sẽ thay thế vị trí thứ hai của Mỹ và các nước châu Á – Thái Bình Dương khác sẽ thay thế Tây Âu trở thành nhóm phát thải CO2 liên quan đến năng lượng lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2050.
Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo
Theo báo cáo, lượng điện sản xuất trên toàn thế giới sẽ tăng từ 30-76% vào năm 2050 so với năm 2022 và về cơ bản được đáp ứng bởi các công nghệ không phát thải carbon. Trong tất cả các kịch bản, báo cáo dự đoán: 81-95% công suất đặt mới từ nay đến 2050 sẽ là các công nghệ không phát thải carbon. Đến 2050, tổng thị phần của than, khí tự nhiên và dầu mỏ sẽ giảm xuống còn 27-38% trên công suất đặt toàn cầu.
Công nghệ không phát thải carbon tại Tây Âu, Trung Quốc tăng trưởng nhanh giai đoạn đầu nhờ chính sách, nhu cầu tăng nhanh và các cân nhắc an ninh năng lượng thiên về dùng các nguồn sẵn có tại địa phương (như điện gió, mặt trời kết hợp lưu trữ).
Đồng thời, những lo ngại về an ninh năng lượng sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch ở một số nước, mặc dù chính những lo ngại đó sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch ở một số nước khác.
Sự tăng trưởng trong ngắn và trung hạn (năm 2023-2035) của dầu mỏ sẽ đến từ những nước không phải Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cụ thể là từ Bắc, Nam Mỹ. “OPEC sẽ chiếm lại thị phần khi các khu vực khác đạt mức sản xuất tối đa, khoảng từ năm 2030 đến năm 2040”, báo cáo chỉ ra.
Cũng theo báo cáo trên, dự tính xe điện sẽ chiếm 29-54% tổng lượng xe bán ra trên toàn cầu vào năm 2050, trong đó Trung Quốc và Tây Âu chiếm từ 58-77%. Nhờ xe điện mà lượng xe du lịch có động cơ đốt trong sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 đến 2033 và sau đó giảm dần. Qua đó, nhu cầu xăng sẽ giảm do lượng xe điện bán ra tăng và nhu cầu nhiên liệu phản lực sẽ tăng, dẫn đến sự thay đổi công nghệ trong các nhà máy lọc hóa dầu. Các nhà máy hóa dầu thay đổi quy trình, đồng thời sẽ cần nhiều dầu nặng hơn là dầu nhẹ.
Cho đến nay, các chính phủ vẫn chưa hành động đủ để thúc đẩy lộ trình Net Zero như những gì đã cam kết. Với tiến độ hiện tại của các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu quốc gia của tất cả 193 bên tham gia Thỏa thuận Paris, thế giới sẽ chứng kiến phát thải khí nhà kính tăng khoảng 14 lần vào năm 2030, so với mức năm 2010.
Mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi tất cả các chính phủ, đặc biệt là các quốc gia phát thải lớn nhất, phải tăng cường đáng kể các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời thực hiện các bước đi khẩn trương, táo bạo để giảm lượng khí thải ngay từ bây giờ.
Bình Nguyên