Một mục tiêu tham vọng
Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 sẽ có khoảng 6 GW điện gió ngoài khơi, chiếm 4% trong tổng cơ cấu năng lượng. Năm 2050, con số này sẽ tăng gấp 11 -15 lần, dự kiến khoảng 70 – 91,5 GW, chiếm 14,3 – 16% trong tổng cơ cấu năng lượng.
Các nghiên cứu chỉ ra Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và có chi phí hợp lý khi có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định. Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam dự báo tăng trưởng 10%/năm và xu hướng chuyển dịch năng lượng, điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero đến năm 2050.
Đó là lý do nhiều “ông lớn” FDI trong lĩnh vực năng lượng không ngại rót tiền vào Việt Nam để phát triển điện gió ngoài khơi. Điển hình như Sumitomo, Renova, Fujiwara (Nhật Bản), Orsted, Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch), Equinor (Na Uy), Sembcorp (Singapore), Super Energy Corporation (Thái Lan)…
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực vẫn còn rất mới tại Việt Nam và hiện chưa có dự án nào được triển khai thực sự, vì vậy ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi vẫn chỉ đang trong giai đoạn đầu học hỏi phát triển. Không giống như điện mặt trời và điện gió trên bờ mà Việt Nam đã phát triển thành công, điện gió ngoài khơi đều là các công trình hạ tầng quy mô lớn, do đó rủi ro rất lớn đối với các nhà đầu tư. Nói cách khác, kinh nghiệm của ngành năng lượng tái tạo trên bờ tại Việt Nam không thể chuyển giao áp dụng cho ngành điện gió ngoài khơi vì đây là công nghệ rất khác biệt.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T, do là ngành công nghiệp mới nên mức độ thành công của điện gió ngoài khơi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong số đó yếu tố quan trọng nhất vẫn là làm sao hoạch định sớm được một khuôn khổ pháp lý với các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đủ mạnh và thuyết phục. Đặc biệt giai đoạn đầu thực hiện phát triển 6 GW đến năm 2030 là nền móng và trụ đỡ vững chắc cho mở rộng phát triển về sau.
Theo đề xuất, quy mô một dự án điện gió ngoài khơi khá lớn (từ 2 – 5 GW) nhưng sẽ phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn. Giai đoạn đầu công suất trung bình khoảng trên dưới 1 MW. Do đó, tổng thời gian từ chuẩn bị đến thực hiện đầu tư và COD sẽ mất khoảng từ 7 -8 năm. Trong khi mục tiêu đạt 6 GW điện gió đến năm 2030 cũng chỉ còn khoảng 7 năm nữa. Nếu còn kéo dài việc lựa chọn dự án, nhà đầu tư thì mục tiêu này khó khả thi
“Thời gian không còn nhiều, Bộ Công Thương cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể, các cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh để thực hiện Quy hoạch điện 8. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét cấp phép khảo sát cho các dự án điện gió ngoài khơi. Vì một dự án trải qua rất nhiều công đoạn, riêng giai đoạn khảo sát địa vật lý, thủy văn, đo gió … có thể đã mất 2-3 năm. Do đó cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành”, ông Cường kiến nghị.
Cơ chế phải rõ và kỹ
Nhưng, chuyên gia năng lượng của Tập đoàn T&T cũng nhận định, Việt Nam vẫn chưa có đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn như Luật hoặc thấp hơn là Nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các thể chế chính sách được lồng ghép vào các Quyết định, Chiến lược,…. Ví dụ Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp. Điều này gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy trong các dự án đầu tư điện gió
“Hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án điện gió ngoài khơi? Do vậy, trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, cần phân định rõ ràng ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi vì nếu không làm rõ sẽ gây vướng mắc cho cả nhà đầu tư lẫn các bộ ngành và địa phương”, ông Cường nói.
Bên cạnh đó, để hấp dẫn các nhà đầu tư, yếu tố đầu tiên phải có cơ chế giá điện ưu đãi, hấp dẫn. Điều này giúp nhà đầu tư nhìn thấy khả năng thu hồi vốn khi rót tiền vào các dự án điện gió ngoài khơi. Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết đã rất nhiều lần nhóm chuyên gia đề xuất không nên áp dụng biểu giá điện chung cho tất cả các vùng miền vì công suất sản xuất năng lượng tái tạo ở mỗi vùng không giống nhau.
Theo Quy hoạch điện 8, các dự án điện gió sẽ được phân bổ theo 6 vùng điện lực. Các địa phương sẽ quyết định việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể cho từng dự án căn cứ vào các yếu tố: chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải và hiệu quả về kinh tế, xã hội.
Do đó, nếu chỉ có một biểu giá áp dụng chung cho các vùng thì rất khó phát triển điện gió ngoài khơi ở miền Bắc. Bởi sự chênh lệch về tốc độ gió dẫn đến chênh lệch hệ số công suất, khiến sản lượng điện gió ngoài khơi giữa các vùng chênh lệch từ 20% thậm chí đến trên 25%.
“Nếu không có cơ chế giá ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc thì rất khó thu hút nhà đầu tư vì họ phải cân nhắc bài toán chi phí và lợi nhuận. Điều này khiến miền Bắc luôn thiếu điện trong khi khu vực Nam Trung Bộ, nơi các nhà đầu tư sẽ tập trung các dự án năng lượng tái tạo thì luôn thừa điện”, ông Sơn phân tích.
Huyền Trang