Thời gian vừa qua một vấn đề gây ra khó khăn cho nền kinh tế là hiện tượng thiếu điện cục bộ, cụ thể tại miền Bắc (dù nhìn tổng thể và bình quân thì đây không phải là vấn đề cả nước). Theo đó mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ gần 1 tỉ Kwh (vào mùa hè), riêng miền Bắc chiếm khoảng 50% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước.
Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500-2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng.
Xét về nguồn cung
Miền Bắc được cung ứng điện qua nhiệt điện và thủy điện là chính (mỗi nguồn chiếm gần 40% tổng cung của khu vực). Còn miền Nam và miền Trung thì cung điện dựa vào nguồn từ nhiệt điện và điện tái tạo (mỗi nguồn cung chiếm gần 40% tổng cung). Với thủy điện tại miền Bắc, vào mùa hè nguồn nước bị thiếu hụt trong khi lượng tiêu thụ điện của hộ gia đình và văn phòng tăng lên (do dùng điều hòa và các dịch vụ ngoài trời nhiều hơn). Miền Bắc cũng nhận được nguồn điện được truyền tải từ miền Trung và miền Nam ra, nhưng năng lực truyền tải của hệ thống là có hạn và không thể nâng cấp ngày một ngày hai, nên không thể san phẳng được sự chênh lệch cung ứng điện của ba miền. Ngoài ra, các dự án chưa thể triển khai cũng là lý do cho sự thiếu hụt nguồn điện hiện tại.
Về phía cầu
Số liệu cập nhật sáng 17/6/2023 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, ngày 17/6, phụ tải toàn hệ thống điện giảm so với ngày 16/6 đạt khoảng 820,4 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 403,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 68,1 triệu và miền Nam khoảng 348,1 triệu kWh.
Các nguyên nhân cho sự tiêu dùng điện rất cao tại miền Nam và Bắc, đặc biệt là miền Bắc, là do những thay đổi của hoạt động kinh tế, sinh hoạt và các chức năng công cộng. Cụ thể, miền Trung ít cơ sở công nghiệp và dân cư cũng thưa hơn, kinh tế chủ yếu là dịch vụ như du lịch hay trồng trọt và chế biến nông – lâm sản nên lượng tiêu thụ điện của vùng là không nhiều. Trong khi tiềm năng sản xuất điện tái tạo của vùng là rất lớn với nguồn gió và nắng luôn có quanh năm.
Tại miền Nam, các nhà máy công nghiệp tập trung chủ yếu tại Đông Nam bộ và đã hình thành từ lâu. Hiện tại trung tâm công nghiệp này đang chuyển dần sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại và với công việc văn phòng tăng cao như ngành du lịch, thương mại, ngân hàng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp giải trí và văn hóa là chủ yếu.
Trong khi đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu phát triển ngành nuôi trồng và chế biến nông – thủy sản. Tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa thấp hơn các vùng đã nêu nên tổng lượng tiêu thụ điện của miền Nam không cao như miền Bắc. Trong khi đó, nguồn điện và tiềm năng sản xuất điện từ nguồn tái tạo lại rất dồi dào tại miền Nam.
Ngược lại, miền Bắc đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cao độ với hoạt động đầu tư FDI vào các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội trong những năm qua là rất lớn, đặc biệt là các ngành công nghiệp lắp ráp và sản xuất sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, vốn dùng nhiều máy móc và tiêu thụ năng lượng lớn trong vận hành.
Bên cạnh đó, miền Bắc cũng có truyền thống phát triển mạnh ngành công nghiệp nặng như khai thác quặng, đóng tàu biển, sản xuất sản phẩm cơ khí nên lượng điện tiêu thụ cho mỗi nhà máy cũng cao hơn các khu vực khác. Ngoài ra vùng này cũng có tốc độ đô thị hóa cao và hoạt động xây dựng nhà ở, đô thị và giao thông cao nên tiêu thụ năng lượng ngoài sản xuất cũng cao hơn các vùng miền khác. Với mùa hè thì miền Bắc cũng có khí hậu nóng hơn miền Nam nên càng làm tăng nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và văn phòng.
Trong dài hạn thì cần các giải pháp liên quan đến chiến lược thu hút FDI và đầu tư tổng thể, quy hoạch giao thông và đô thị, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ dùng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Vậy giải pháp nào cho vấn đề mất cân đối cung cầu điện như trên?
Về phía cung, có thể có một số giải pháp với trọng tâm là điện tái tạo.
Hiện tại Việt Nam dựa vào ba nguồn điện tái tạo chính là thủy điện, điện gió và mặt trời. Trong đó, hai nguồn điện đầu tiên có thể được vận hành vào cả ban ngày lẫn ban đêm, riêng nguồn bức xạ từ ánh nắng mặt trời thì chỉ có thể vận hành vào ban ngày. Cả ba nguồn sản xuất điện này đều phụ thuộc vào thời tiết vì không có nắng, gió và nước thì không thể vận hành hệ thống ổn định.
Giải pháp nào để “trữ” điện? Có thể áp dụng nguyên lý ngày tiêu dùng và đêm tích nguồn trong bối cảnh này hay không?
Với ban ngày, khi mà hệ thống điện được cho là nặng tải (dùng điện nhiều) thì hệ thống được đưa vào vận hành và hòa vào mạng lưới là: đối với miền Bắc có thể dùng nguồn điện từ thủy điện và nguồn truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra. Đối với miền Nam, có thể dùng điện mặt trời và điện gió. Đối với miền Trung có thể xem xét dùng điện mặt trời và điện gió.
Tuy nhiên, vào ban đêm, khi mà hệ thống điện được cho là nhẹ tải (dùng ít điện) thì dùng các nguồn như sau: miền Bắc có thể dùng nguồn điện được tải từ miền Nam và miền Trung ra (nguồn từ gió), trong khi đó đóng thủy điện để tích nước phục vụ cho vận hành vào ban ngày. Đối với miền Nam và miền Trung, có thể dùng điện gió vì không có bức xạ vào ban đêm và cũng có thể kết hợp với giải pháp trữ điện qua việc tích nước tại các hồ thủy điện như trường hợp miền Bắc.
Với nhiệt điện từ than và khí thì vẫn vận hành liên tục và có bảo trì, bảo dưỡng phù hợp nhằm đảm bảo tính ổn định và giảm tải.
Việc quản lý nguồn cung được dựa trên giả thuyết là hệ thống truyền tải từ Nam ra Bắc chưa thể được nâng cấp để tăng tải kịp thời và lượng điện dùng vào ban ngày nhiều hơn lượng điện dùng vào ban đêm (do vận hành sản xuất và văn phòng cần dùng nhiều điện hơn vận hành hệ thống đèn đường, ti vi và quán ăn). Giải pháp tích điện này có thể không hiệu quả vào những ngày thiếu điện trầm trọng cả ngày lẫn đêm tại miền Bắc, nhưng nếu lượng thiếu hụt là tương đối ít vào ban ngày và vào ban đêm nguồn điện ổn định thì có thể dùng giải pháp phân phối nguồn điện và tích điện (qua giải pháp đóng máy vào ban đêm) để đảm bảo nguồn cung.
Về phía cầu, có thể có một số giải pháp với trọng tâm quản lý nguồn cầu điện trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Trước mắt các cơ sở sản xuất, hoạt động trong văn phòng, sinh hoạt cá nhân và gia đình và hạ tầng công cộng cần tổ chức lại hoạt động quản trị để làm gọn quy trình và giảm hao phí, đồng thời tối ưu hóa hệ thống và quy trình như tổ chức lại sản xuất, sắp xếp ca, kíp trong phân công công việc, tinh gọn lại quy trình sản xuất và hoạt động, dùng chung phòng ban và cơ sở vật chất, quy định ăn mặc trong công việc, sắp xếp lại cơ sở vật chất để không gian thông thoáng hơn, đầu tư và cải tiến máy móc, thiết bị, quản lý hàng tồn kho và chuỗi cung ứng… Đây là khía cạnh tổ chức sản xuất và quy trình hoạt động, mang tính ngắn hạn và tức thời.
Đặc biệt với doanh nghiệp FDI, các cơ quan quản lý có thể tận dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu là 15% để thu khoản này và tái hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào các hoạt động tiết kiệm năng lượng như mua máy móc hiện đại, vận hành hệ thống tự động, giảm hao phí, thuê tư vấn để tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Trong dài hạn thì cần các giải pháp liên quan đến chiến lược thu hút FDI và đầu tư tổng thể, quy hoạch giao thông và đô thị, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ dùng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Phan Đình Mạnh