Nỗ lực chuyển đổi xanh trong ngành hàng hải
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyên Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đặc biệt là đối với Việt Nam. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, điều này ảnh hưởng không chỉ đến sự phát triển kinh tế mà còn đến sự ổn định môi trường sinh thái. Chính vì vậy, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các công ước quốc tế về biến đổi khí hậu, bao gồm Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Việc tham gia này thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, các quốc gia đã thông qua Tuyên bố Clydebank, khuyến khích hợp tác trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển xanh và phát triển các hành lang vận tải không phát thải. Các sáng kiến này đang góp phần định hình tương lai phát triển bền vững cho ngành hàng hải.
Cũng theo ông Hoàng, tính đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam bao gồm 34 cảng biển, với khối lượng hàng hóa qua cảng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Tuy nhiên, hoạt động hàng hải vẫn tiềm ẩn những thách thức về môi trường cần giải quyết.
Để đáp ứng xu thế phát triển xanh, ngành Hàng hải Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống quy định pháp luật vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ ngành hàng hải thực hiện mục tiêu này.
Để thực hiện cam kết tại COP26, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng các nội dung pháp lý, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính trong ngành hàng hải. Hội thảo này sẽ cung cấp cái nhìn chuyên sâu về thực trạng chuyển đổi xanh trong ngành hàng hải, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng KHCN&MT, Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết trong bối cảnh thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, ngành hàng hải Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp cảng biển đã triển khai nhiều biện pháp để tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, từ việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có giấy phép môi trường, đến việc thực hiện quan trắc chất lượng môi trường. Hầu hết các hoạt động này đều đạt chất lượng theo quy chuẩn cho phép.
Về chuyển đổi xanh, nhiều cảng biển đã bắt đầu áp dụng các công nghệ và giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Các cảng lớn như Tân Cảng Cát Lái, Tân Cảng Cái Mép – Thị Vải, Gemadept Dung Quất, Cảng Đà Nẵng, Nam Đình Vũ đã xây dựng các kế hoạch phát triển hệ thống cảng xanh, đào tạo nhân lực về bảo vệ môi trường, và thực hiện các chương trình thúc đẩy bảo vệ môi trường.
Điển hình, Cảng Tân Cảng Cái Mép đã lắp đặt hệ thống cung cấp điện bờ, giảm thiểu khí thải từ tàu khi neo đậu. Cảng Quốc tế Long An đã triển khai hệ thống ISO 14001 và sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Cảng Đà Nẵng hiện đang nâng cấp cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch. Đặc biệt, có 43/108 doanh nghiệp cảng biển đã đầu tư vào các thiết bị bốc xếp hàng hóa sử dụng điện, góp phần giảm phát thải từ hoạt động khai thác cảng.
Những thách thức và giải pháp cho chuyển đổi năng lượng xanh
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, ngành hàng hải Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh. Phần lớn các cảng biển nhỏ và vừa tại Việt Nam vẫn sử dụng thiết bị cũ, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các yếu tố như thiếu hụt tài chính, thiếu nhân lực chuyên môn và các quy định pháp luật chưa đầy đủ đang cản trở quá trình chuyển đổi xanh trong ngành.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, bà Trần Thị Tú Anh đã đề xuất một số giải pháp, bao gồm tăng cường nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển bền vững, xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo, và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển cảng xanh. Bà cũng khuyến nghị cần xây dựng cơ sở hạ tầng phân phối nhiên liệu sạch, nâng cấp thiết bị cảng sử dụng năng lượng tái tạo, và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng trong công nghệ xanh.
Tại hội thảo, ông Hoàng Lê Vượng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã nêu ra một số giải pháp công nghệ tiên tiến như sử dụng sơn vỏ tàu thế hệ mới để giảm tiêu hao nhiên liệu, sử dụng mũ chụp chân vịt Eco-Cap và công nghệ EnergoFlow giúp tiết kiệm năng lượng. Các giải pháp này đã được triển khai và đã có những kết quả khả quan trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Vượng cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét việc xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các chủ tàu và nhà máy đóng tàu phát triển các tàu sử dụng nhiên liệu xanh như Methanol, LNG hay Amoniac. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng nhiên liệu xanh.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép, cũng cho biết các cam kết toàn cầu về giảm phát thải CO2 đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động của cảng biển Việt Nam. Chương trình “The Climate Pledge” và các sáng kiến quốc tế như Tuyên bố Clydebank yêu cầu các cảng Việt Nam phải chuyển đổi cơ sở hạ tầng để đáp ứng các yêu cầu về cảng xanh và năng lượng sạch. Điều này thúc đẩy các cảng Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh để duy trì sự cạnh tranh.
Thảo luận tại hội thảo, TS. Dư Văn Toán, đại diện Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu “net zero” phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, sóng biển và thủy triều. Những nguồn năng lượng này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch.
Trong ngành hàng hải, đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng năng lượng tái tạo. Một số tàu được trang bị cánh buồm năng lượng mặt trời, tàu chạy bằng năng lượng gió và hydro đang được triển khai. Các cảng biển trên thế giới, như cảng Stockholm, đã lắp đặt hệ thống pin mặt trời cung cấp một phần nhu cầu điện năng. Tại Việt Nam, việc phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ năng lượng tái tạo trong ngành hàng hải, như cảng biển sử dụng năng lượng mặt trời và tàu chạy bằng năng lượng sạch, sẽ là những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo TS. Dư Văn Toán, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh thành công, Việt Nam cần xây dựng một khung chính sách phù hợp, tăng cường hợp tác quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ xanh. Các giải pháp như phát triển cơ sở hạ tầng cảng xanh, triển khai tàu sử dụng năng lượng tái tạo, và sử dụng nhiên liệu sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo trong nước và hợp tác với các tổ chức quốc tế sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong ngành hàng hải và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính.
Đình Khương