Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Trong lĩnh vực giao thông, Thái Lan hướng tới việc sản xuất 30% phương tiện giao thông là xe điện vào năm 2030. Điều này được cụ thể hóa thông qua các chính sách hỗ trợ đầu tư vào sản xuất xe điện và cơ sở hạ tầng, cùng tham vọng trở thành trung tâm xe điện của khu vực Đông Nam Á.
Xe buýt điện dự kiến phục vụ 123 tuyến tại Bangkok, gần một nửa trong tổng số tuyến xe buýt công cộng của Bangkok, thay thế các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong. Xe buýt điện ra đời nhằm ba mục tiêu chính: (1) tiết kiệm năng lượng hơn, (2) phát thải thấp hơn và (3) trải nghiệm khách hàng tốt hơn (với giá tương tự). Nhưng quan trọng hơn cả, để thu hút nhà đầu tư, dự án cần khả thi về mặt tài chính (có suất sinh lời (IRR) – lớn hơn lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư).
Tính toán ban đầu cho thấy phương án doanh thu không có tín chỉ carbon mang lại 212,6 triệu baht Thái mỗi năm, IRR là 1,33% – thấp hơn giá trị sinh lời kỳ vọng của các nhà đầu tư là 5,24%. Phương án doanh thu mới đề xuất do tín chỉ carbon mang lại, đưa doanh thu dự án lên 255,78 triệu baht mỗi năm, tương ứng IRR lên 9,3%, vượt xa mức kỳ vọng của các nhà đầu tư. Để có được giá bán tín chỉ carbon cao, cả khu vực chính phủ và khu vực tư nhân đều cần nỗ lực phối hợp.
Chính phủ kiến tạo
Từ tháng 10/2013, Tổ chức Quản lý khí nhà kính Thái Lan (TGO) đã phát triển Chương trình Giảm phát thải tự nguyện Thái Lan (T-VER). T-VER được xây dựng nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện trong nước. Đây là một trong những sáng kiến chiến lược của Thái Lan để thúc đẩy thị trường carbon nội địa và đáp ứng các mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris. T-VER hướng đến các dự án giảm phát thải dựa trên cộng đồng, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải, nông nghiệp và lâm nghiệp. T-VER tận dụng các phương pháp luận từ Cơ chế phát triển sạch (CDM) và các chương trình tín chỉ carbon tương tự như J-VER của Nhật Bản.
Song song với đó, chương trình bù trừ carbon T-COP của Thái Lan là một phần trong nỗ lực quốc gia nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình này được phát triển dưới sự quản lý của TGO và là một phần của hệ thống tín chỉ carbon tự nguyện T-VER, cho phép các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.
T-COP hoạt động dựa trên cơ chế mà các tổ chức tham gia sẽ giảm phát thải khí nhà kính thông qua các dự án giảm thiểu hoặc loại bỏ khí CO2 (chẳng hạn như trồng rừng hoặc áp dụng công nghệ giảm phát thải), và từ đó tạo ra tín chỉ carbon. Những tín chỉ này sau đó có thể được bán để bù trừ phát thải của các tổ chức khác. Những nỗ lực trên của Thái Lan làm tăng sự tin tưởng của các đối tác quốc tế.
Ngày 24/6/2022, hai bộ trưởng môi trường của Thái Lan và Thụy Sỹ đã ký thỏa thuận hợp tác về hành động khí hậu theo điều 6 của Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận song phương này quy định sự hợp tác giữa hai nước và thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động bảo vệ khí hậu. Các văn bản ủy quyền (LOA) được cả hai phía phát hành cho các bên tham gia dự án tại Thái Lan và Thụy Sỹ. Quỹ KliK (Thụy Sỹ) sẽ hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu khí thải CO2 ở các quốc gia đã ký thỏa thuận khí hậu song phương với Thụy Sỹ. Thông qua việc ban hành kết quả giảm phát thải chuyển giao quốc tế (ITMO), Thụy Sỹ và Thái Lan là những quốc gia đầu tiên sử dụng thành công cách tiếp cận hợp tác theo Thỏa thuận Paris để đạt được tiến bộ đáng kể trong hành động hợp tác về khí hậu.
Doanh nghiệp khởi tạo
Được thành lập vào năm 2006, Energy Absolute (EA) là một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất ở Thái Lan, đang vận hành bốn dự án năng lượng mặt trời và tám dự án điện gió. Với 64 công ty con, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, EA đã đi tiên phong và mở rộng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông bền vững và sạc xe điện tại Thái Lan. EA tuyên bố tầm nhìn của mình là “người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, cập nhật và thân thiện với môi trường vì lợi ích và sự công bằng cho người tiêu dùng, cổ đông, đối tác và nhân viên”. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tham gia vào các thỏa thuận bảo hộ cho EA để phát hành trái phiếu xanh lần đầu tiên vào năm 2019, tài trợ cho khoản vay xanh được chứng nhận đầu tiên vào năm 2020 và tài trợ cho phà điện vào năm 2022.
Vào tháng 3/2022, EA tuyên bố đầu tư hơn 2 tỉ baht vào hệ thống trạm sạc xe buýt điện tại Thái Lan. Somphote Ahunai, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của EA, đã đưa ra thông báo cho biết nhà phát triển năng lượng tái tạo sẽ xây dựng các trạm sạc trên toàn thủ đô.
Một năm sau, Chatrapon Sripratum, Phó chủ tịch phòng Kế hoạch đầu tư và phát triển chiến lược EA, cho biết: “Bangkok E-Bus là chương trình đầu tiên được phát triển theo điều 6 của Thỏa thuận Paris ở châu Á và là một trong những chương trình đầu tiên trên toàn thế giới. Khi thực hiện chương trình này, EA đang đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực hợp tác bảo vệ khí hậu ở Thái Lan. Đóng góp hướng tới một nền kinh tế khử carbon này sẽ giữ vai trò như một chương trình dẫn đường và truyền cảm hứng cho các chủ thể khu vực tư nhân khác ở Thái Lan mở rộng quy mô hành động vì khí hậu của họ”. KliK (Thụy Sỹ) sẽ mua tín chỉ ITMO từ EA – chủ sở hữu dự án tại Thái Lan.
Nỗ lực nhiều bên
Ngày 6/12/2023, ADB đã phát hành khoản vay đầu tiên trị giá 3,9 tỉ baht (tương đương khoảng 110 triệu đô la Mỹ) cho EA mua 1.200 xe buýt điện. Xe buýt điện này sẽ thay thế xe buýt động cơ đốt trong ở Bangkok, hỗ trợ việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng sạch ở Thái Lan. Gói tài trợ theo các khoản vay trị giá 1,3 tỉ baht từ ADB, JICA và EXIM Thailand (trong đó ADB là cơ quan thu xếp chính được uỷ quyền) huy động cả vốn của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế. Tổng chi phí dự án lên tới 6 tỉ baht. Quỹ tài chính xanh xúc tác ASEAN (ACGF) cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nghiên cứu thị trường điện khí hóa xe buýt công cộng.
Vào ngày 9/1/2024, Thụy Sỹ và Thái Lan đã đạt được thỏa thuận giao dịch tín chỉ carbon mang tính đột phá theo điều 6.2 của Thỏa thuận Paris. Quỹ KliK của Thụy Sỹ đã mua 1.916 tín chỉ ITMO đầu tiên từ Công ty EA của Thái Lan trong dự án xe buýt điện tại Bangkok. KliK và EA cùng đưa ra một tuyên bố chung: “ITMO sẽ được Klik sử dụng để thực hiện nghĩa vụ bù đắp của mình theo Đạo luật CO2 của Thụy Sỹ. Thụy Sỹ dự định sử dụng các tín chỉ ITMO này để đạt được mục tiêu khí hậu quốc gia theo Thỏa thuận Paris. Để tránh tính hai lần, Thái Lan đã cam kết điều chỉnh lượng khí thải nhà kính tồn kho theo lượng kết quả giảm nhẹ được chuyển giao cho Thụy Sỹ”.
Kỹ thuật đo lường và giám sát giảm phát thải được thực hiện bởi CCME, một công ty Thái Lan được công nhận là đơn vị quản lý đủ điều kiện vận hành theo các chương trình hoạt động của TGO. EA đã ký kết thỏa thuận dịch vụ với CCME để tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành tín chỉ từ hoạt động dự án. Theo thỏa thuận này, CCME nhận dữ liệu hoạt động từ nhà điều hành xe buýt cũng như trạm sạc nhà điều hành. Sử dụng dữ liệu bổ sung của bên thứ ba và các phương pháp luận của T-VER, CCME tạo ra các tài liệu cần thiết để yêu cầu T-VER cấp và công nhận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. T-VER sau đó được TGO phê duyệt cấp tín chỉ vào tài khoản đăng ký của EA, từ đó được chuyển vào tài khoản của KliK.
Tương lai Việt Nam
Dự án xe buýt điện ở Bangkok là một ví dụ điển hình cho việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính. Dự án không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Thái Lan. Bài học kinh nghiệm về ban hành và quản lý tiêu chuẩn, phát hành và quản lý văn bản LOA sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong thúc đẩy triển khai các dự án tương tự cho xe buýt đô thị.
Thứ nhất, T-VER được thiết kế với các tiêu chí nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch, khả năng xác minh và phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Tất cả các dự án phải chứng minh khả năng giảm phát thải khí nhà kính so với trạng thái kinh doanh thông thường (business-as-usual) và không trùng lặp tín chỉ (double counting). Những tín chỉ carbon từ T-VER có thể được giao dịch trên thị trường tự nguyện hoặc sử dụng để bù đắp phát thải, góp phần thúc đẩy phát triển xanh trong nước. Đây là một trong những chương trình bù đắp carbon tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, mang lại bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong việc phát triển các tiêu chuẩn tương tự.
Thứ hai, mặc dù Thái Lan cũng đang lên kế hoạch xây dựng và vận hành Hệ thống Giao dịch phát thải (ETS) như ở Việt Nam, nhưng tiêu chuẩn giảm phát thải tự nguyện T-VER và cơ chế bù trừ T-COP của Thái Lan là công cụ nền tảng giúp tạo điều kiện triển khai các dự án giảm phát thải, đặc biệt là các dự án giao thông công cộng bền vững như xe buýt điện. Việt Nam cần xây dựng các tiêu chuẩn giảm phát thải tự nguyện tương tự như T-VER, trong đó gắn với ban hành LOA cho các dự án giao dịch quốc tế.
Thứ ba, Thái Lan sử dụng hệ thống giám sát, đo lường, và thẩm định hiệu quả giảm phát thải của các tổ chức được ủy quyền (CCME), đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong giao dịch tín chỉ carbon. Việt Nam nên xây dựng một hệ thống giám sát và thẩm định hiệu quả giảm phát thải đáng tin cậy, phối hợp với các cơ quan quốc tế để đảm bảo tính minh bạch hoặc ủy quyền cho các tổ chức trong nước thực hiện.
Thứ tư, Thái Lan sử dụng công cụ CA cam kết điều chỉnh lượng khí thải tồn kho để tránh tính hai lần trong giao dịch ITMO, đảm bảo tuân thủ điều 6.2 của Thỏa thuận Paris. Việt Nam cần có khung pháp lý (dự thảo sửa đổi Nghị định 06-2022) và quy trình điều chỉnh minh bạch khi tham gia các giao dịch tín chỉ carbon quốc tế để tránh trùng lặp hoặc gian lận. Việc triển khai có thể thí điểm cho các dự án giao dịch với Hàn Quốc và Singapore theo các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Việt Nam đã ký kết theo điều 6 Thỏa thuận Paris.
Bùi Huy Bình – Giám đốc TraceVerified Climai, Dự án AI trong tư vấn giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu