Khởi đầu từ giấc mơ xanh
Dự án do nhóm cựu sinh viên các trường: ĐH Ngoại thương; ĐH Đại Nam; ĐH Kinh tế Quốc dân; ĐH Anh Quốc Việt Nam thực hiện. Đó là những người có chung đam mê trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán giảm phát thải khí nhà kính.
Trong giai đoạn đầu, dự án tập trung cung cấp dịch vụ đo đạc và tính toán trữ lượng carbon bằng công nghệ hiện đại tại sáu tỉnh miền Bắc Trung Bộ. Với sự tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), dự án không chỉ góp phần bảo vệ và tái tạo rừng, mà còn tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương.
“Chúng mình muốn biến nguồn tài nguyên chưa được tận dụng triệt để thành giá trị thiết thực, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa cải thiện sinh kế cộng đồng”, anh Dương Hoàng Minh (đại diện nhóm) chia sẻ.
Thành công bước đầu và hành trình lan tỏa
Dự án đã được thí điểm thành công tại Quảng Yên (Quảng Ninh) và hiện đang triển khai tại xã Thanh Vận (Bắc Kạn). Kết quả bước đầu cho thấy, không chỉ giảm đáng kể lượng phát thải CO2 mà mô hình còn mang lại thu nhập bền vững cho người dân.
Đặc biệt, dự án ứng dụng các công nghệ hiện đại như GIS (hệ thống thông tin địa lý) và hình ảnh vệ tinh để đo lường, báo cáo trữ lượng carbon. Điều này không chỉ đảm bảo độ chính xác mà còn tăng cường tính minh bạch, thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế.
“Bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến, chúng mình hy vọng có thể nhân rộng mô hình này đến các khu vực miền Trung và Tây Nguyên – những nơi có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng”, anh Minh cho biết thêm.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khả năng thuyết trình ấn tượng và màn tranh luận quyết liệt đã giúp nhóm cựu sinh viên giành chiến thắng tại ‘Social Innovation Launch 2023’, vượt qua nhiều đối thủ mạnh khác.
“Được công nhận tại một sân chơi lớn là động lực to lớn để cả nhóm tiếp tục phát triển dự án, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì sứ mệnh xã hội”, một thành viên trong nhóm chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, dự án ‘Tín chỉ Carbon Việt Nam’ còn đoạt giải Khuyến khích của Cuộc thi ‘Sao Kim 2024’ – Cuộc thi dành cho những ý tưởng sáng tạo xanh, do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức. Điều này càng củng cố vị thế của dự án như một mô hình dẫn đầu trong lĩnh vực tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Khát vọng xanh cho tương lai
Hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhóm cựu sinh viên trẻ tin rằng, tín chỉ carbon sẽ trở thành một ngành công nghiệp mới đầy tiềm năng tại Việt Nam.
“Chúng mình không chỉ muốn tạo ra một dự án kinh doanh, mà còn xây dựng nền tảng giúp mọi người hiểu rõ giá trị của việc bảo vệ môi trường. ‘Tín chỉ Carbon Việt Nam’ hy vọng sẽ là cầu nối giữa Việt Nam và thị trường tín chỉ carbon quốc tế”, anh Dương Hoàng Minh khẳng định.
Từ thành công bước đầu, nhóm cựu sinh viên cam kết mở rộng dự án tới nhiều vùng khó khăn, nơi rừng không chỉ là lá phổi xanh của Trái Đất mà còn là nguồn sống của hàng triệu người dân.
Với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và sự công nhận từ các Cuộc thi uy tín như ‘Social Innovation Launch’ hay ‘Sao Kim’, dự án ‘Tín chỉ Carbon Việt Nam’ đang tiến gần hơn tới việc hiện thực hóa tầm nhìn của mình: Một Việt Nam xanh, phát triển bền vững và giàu lòng nhân ái.
Dương Triều