Chiều 24/4, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Công ty Nestlé Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Kiểm kê, thẩm định, xác nhận và giảm phát thải trong chuỗi cung ứng”.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần tăng tốc triển khai các kế hoạch, chương trình hành động nhanh hơn nữa.
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Cục biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT cho biết, trên hành trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trước mắt đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% mức phát thải khí metan so với năm 2020; xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê từ năm 2026.
Để thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam sẽ tập trung triển khai các giải pháp như phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp sẽ chú trọng đến các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ; tái sử dụng phế phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi; nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng để tăng hấp thụ carbon và giảm phát thải; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để giảm phát thải từ kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng.
Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp để đẩy mạnh công tác tái chế chất thải, nước thải; cải tiến phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về tòa nhà xanh, khu đô thị xanh.
Ông Vũ Hải Lưu, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT cũng chia sẻ, ngành giao thông đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Trong giai đoạn 2031-2050, ngành đặt mục tiêu, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50 %; 100 % xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 lần lượt ít nhất 40 % và 10 %.
Để đạt các mục tiêu này, Bộ GTVT cũng sẽ triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách quy hoạch; chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.
Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cũng cho biết, Bộ Công thương cũng đã tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện việc kiểm kê giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (phần lớn các cơ sở do bộ quản lý đã cung cấp thông tin). Theo lộ trình, đến năm 2025, các cơ sở sẽ gửi kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở và đến năm 2027, nộp báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Minh Hải