Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (NLTT) với khách hàng sử dụng điện lớn đang ngày càng phổ biến trên thế giới, cụ thể như tại một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Mỗi quốc gia áp dụng mô hình DPPA khác nhau dựa trên khuôn khổ thị trường điện và cơ sở pháp lý của từng nước cho phép các khách hàng doanh nghiệp mua điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng và đàm phán trực tiếp với các đơn vị phát điện NLTT.
Tại một số quốc gia, cơ chế này có tên gọi là cơ chế Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện NLTT và khách hàng sử dụng điện nhưng ở Việt Nam là Đơn vị phát điện NLTT và khách hàng sử dụng điện lớn. Cơ chế DPPA có vai trò khá quan trọng trong việc thực hiện định hướng phát triển ngành điện của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Cơ chế DPPA cũng là cơ hội giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng từ phía các khách hàng sử dụng điện.
Sự ra đời của Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 (Nghị định DPPA) có thể coi là một cuộc cách mạng nhỏ trong ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung. Đây là một cơ chế mới tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến đột phá trong việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, lần đầu tiên khách hàng sử dụng điện được mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.
Tham gia cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch của chính mình; qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn; Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.
Tuy nhiên, do DPPA là cơ chế hoàn toàn mới nên khi triển khai cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các bên liên quan, đặc biệt với 02 chủ thể chính là Khách hàng sử dụng điện lớn và Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, từ việc nghiên cứu, tìm hiểu nội dung cơ chế, đối tượng, điều kiện, trình tự tham gia… Bên cạnh đó, tham gia DPPA, các bên liên quan sẽ phải thực hiện đàm phán, thỏa thuận, ký kết các hợp đồng mua bán điện hoàn toàn mới với nội dung, hình thức khác so với các hợp đồng mua bán điện truyền thống trước đây.
Cơ chế DPPA – Bước đột phá cho phát triển năng lượng tái tạo
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tiếp tục mở rộng công suất điện (đạt trên 150.000 MW vào năm 2030 và đạt gần 600.000 MW vào năm 2050), trong đó, năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong quá trình thực hiện lộ trình này với định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Sự ra đời của DPPA là bước đi có tính đột phá trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo khi cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm các nhà máy điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Theo Nghị định DPPA, quy định mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán điện năng được thực hiện thông qua 2 hình thức, gồm: mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện, giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, giá cả do hai bên thỏa thuận. Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện bao gồm đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Nghị định cũng cho phép khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (EVN – hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu; đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn.
Cơ chế DPPA – Lợi ích và thách thức
Lợi ích:
Từ góc độ khách hàng, sự tin cậy về tài chính trong việc mua bán điện trực tiếp giúp giảm chi phí tài chính cho chủ dự án và các Hợp đồng DPPA dài hạn có cơ cấu giá hợp lý có thể cung cấp giải pháp hạn chế việc tăng chi phí sử dụng điện. DPPA có thể bao gồm cơ cấu giá như giá cố định tăng theo lạm phát. Cơ cấu giá phức tạp hơn có thể cho phép điều chỉnh giá cả trong suốt thời hạn của DPPA nếu có sự thay đổi đáng kể trên thị trường điện. Các cơ cấu giá khác có thể bao gồm một mức giá thả nổi với mức tối thiểu và tối đa, cho phép áp dụng các biện pháp giảm rủi ro theo thoả thuận chung của các bên.
Từ góc độ chính sách: Mục tiêu tổng thể của cơ chế DPPA nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện.
Mục tiêu cụ thể của cơ chế DPPA nhằm khuyến phát triển năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ hóa thạch; giảm khí thải carbon và ô nhiễm môi trường bằng cách giảm sự sử dụng các nguồn năng lượng từ hóa thạch (than và dầu mỏ), đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về giảm khí nhà kính và bảo vệ môi trường; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng; tăng tính linh hoạt và hiệu suất của hệ thống điện: Khách hàng tham gia DPPA có khả năng điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện theo thời gian thực, trong khi đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể cung cấp điện một cách linh hoạt và ổn định; tối ưu hóa sự phân phối và sử dụng điện, giảm tổn thất và nâng cao hiệu suất của hệ thống điện; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách cho phép khách hàng mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và tạo ra một nguồn cung điện đa dạng và ổn định, đảm bảo ổn định của hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, cơ chế DPPA là một trong những bước quan trọng đầu tiên nhằm khuyến khích phát triển thị trường bán buôn điện Việt Nam (VWEM) trên lộ trình tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam (VREM).
Khi được triển khai, chính sách mới sẽ cho phép các doanh nghiệp ở Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty sản xuất năng lượng tái tạo, giúp họ có cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp điện để đạt được chứng chỉ sản xuất xanh khi ngày càng có nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu. Điều này giúp Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng cho hoạt động của doanh nghiệp và đạt được các mục tiêu giảm phát thải của doanh nghiệp.
Thách thức:
Việc triển khai DPPA vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn như: Cơ chế DPPA còn là một cơ chế khá mới mẻ, các bên liên quan cần thời gian để tìm hiểu quy định, đánh giá khả năng tham gia, chuẩn bị các điều kiện tham gia, nâng cao năng lực, trang bị cơ sở vật chất cần thiết, đặc biệt cơ chế DPPA không có giai đoạn thí điểm. Hơn nữa, đến nay, EVN đang xây dựng các chi phí liên quan đến DPPA; các bên liên quan vẫn đang trong quá trình xác định các nội dung, điều khoản chính của Hợp đồng CfD như giá, thời hạn hợp đồng, chứng chỉ REC để chuẩn bị đàm phán…
Theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, thông qua việc tham gia cơ chế DPPA, khách hàng (các tập đoàn, công ty có nhu cầu sử dụng một lượng điện lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) sẽ đáp ứng được các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững (ví dụ như RE100, REBA); bên cạnh đó, khách hàng vẫn được đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy trong dài hạn. Tuy nhiên, khách hàng cần nghiên cứu, xác định các chi phí cần thiết để tham gia cơ chế DPPA quy lưới điện quốc gia như chi phí bán lẻ trong hàng rào khu công nghiệp ((từ công tơ mua điện tổng của Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền đến công tơ bán lẻ điện cho Khách hàng sử dụng điện lớn), chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện (CDPPA), chi phí bù trừ chênh lệch… Các chi phí này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặc dù cơ chế DPPA còn nhiều thách thức để triển khai trong thực tế, nhưng Nghị định DPPA như một luồng gió mới, là động lực và là cơ hội lớn cho tất cả các bên. Đây sẽ là bước ngoặt giúp các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero), đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và công bằng của đất nước.
(Nguồn: Cục Điều tiết điện lực)