Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra ở Dubai trong khoảng hai tuần bắt đầu từ ngày 30/11. Hội nghị đã đạt được đột phá đầu tiên ngay trong ngày khai mạc khi các nước nhất trí lập quỹ chi trả thiệt hại và mất mát do thảm họa khí hậu để hỗ trợ các nước nghèo.
Trong những ngày tới, các nhà đàm phán từ hơn 190 quốc gia dự kiến chuẩn bị cho báo cáo “kiểm kê toàn cầu” đầu tiên nhằm đánh giá mức độ tiến bộ mà thế giới đã đạt được trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận khí hậu mang tính bước ngoặt đó, được ký kết năm 2015, kêu gọi các chính phủ ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng không để tăng quá mức 1,5 độ C.
Một báo cáo đánh giá của Liên hợp quốc hồi tháng 9 cho biết các chính phủ còn lâu mới đạt được những mục tiêu đó. Báo cáo cho rằng lượng khí thải nhà kính toàn cầu cần giảm 43% trong giai đoạn từ 2019 đến 2030 để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C. Nhưng các kế hoạch hành động để giảm khí thải của các chính phủ đệ trình cho Liên hợp quốc, tính đến tháng 9/2022, dự kiến chỉ giúp giảm giảm lượng khí thải 3,6% vào năm 2030 so với năm 2019.
Lo ngại về các thảm họa khí hậu và hậu quả kinh tế kèm theo, Mỹ và một số nước khác đề xuất giảm mạnh các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Các nhà lãnh đạo phương Tây muốn thế giới ngừng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than và họ đang vận động đưa lời kệu gọi “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch vào báo cáo kiểm kê.
Các nước đang phát triển lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Saudi Arabia dự kiến phản đối lời kêu gọi đó, cho rằng các nước nghèo sẽ cần than, dầu và khí đốt tự nhiên trong nhiều thập niên tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.
Các nước đang phát triển cũng chỉ trích Mỹ, châu Âu và các nước giàu khác không cắt giảm lượng khí thải như đã cam kết trong 20 năm qua. Họ nói rằng, các nước phát triển phải chịu trách nhiệm về lượng khí carbon thải vào bầu khí quyển kể từ thời kỳ bình minh của kỷ nguyên công nghiệp.
Tại hội nghị COP15 vào năm 2009 ở Canada, các nước giàu đồng ý đến năm 2020 sẽ đóng góp 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho Quỹ khí hậu xanh của Liên hợp quốc. Quỹ này sẽ cho các nước đang phát triển vay trong dài hạn nhằm triển khai các biện pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị bỏ lỡ trong nhiều năm.
Giờ đây, tại COP28, các chính phủ sẽ thảo luận về một mục tiêu tài chính khí hậu mới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nước đang phát triển cần 2 nghìn tỉ đô la mỗi năm bắt đầu từ năm 2030 để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu với báo chí tại Dubai hôm 1/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại COP28 lên kế hoạch cho một tương lai không có nhiên liệu hóa thạch, đồng thời nhấn mạnh không có cách nào khác để kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu.
“Chúng ta không thể cứu một hành tinh đang cháy bằng vòi cứu hỏa nhiên liệu hóa thạch. Mục tiêu kiềm chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp) chỉ có thể thực hiện được nếu cuối cùng chúng ta ngừng đốt tất cả nhiên liệu hóa thạch”, ông nói.
Trước đó một ngày, Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber, Bộ trưởng Công nghiệp và công nghệ cao UAE kiêm CEO của Tập đoàn dầu khí quốc gia Adnoc của UAE, đề xuất tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, cho đến nay, cam kết tăng gấp 3 lần công suất lắp đặt năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi mức tiết kiệm năng lượng vào năm 2030 đã nhận được sự ủng hộ của hơn 110 nước. Bà kêu gọi đưa mục tiêu này vào văn kiện cuối cùng của COP28.
Dù Trung Quốc và Ấn Độ đã phát tín hiệu ủng hộ mục tiêu này nhưng cả hai nước chưa xác nhận sẽ ủng hộ một cam kết rộng lớn hơn, kết hợp tăng cường sản xuất năng lượng sạch với việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Vấn đề trọng tâm tại COP28 là liệu các nước có nhất trí “loại bỏ dần” việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu hay không. Đốt than, dầu khí để sản xuất năng lượng là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Reuters cho biết, một dự thảo về cam kết tăng sản lượng năng lượng tái tạo tại COP28 kêu gọi giảm dần nguồn năng lượng than không sử dụng công nghệ thu giữ CO2 (unabated coal power) và chấm dứt cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới.
Theo một phân tích của tổ chức nghiên cứu Ember, việc tăng gấp ba nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời, đồng thời tăng gấp đôi mức tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cắt giảm 85% mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần thiết trong thập niên này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Các mục tiêu đó sẽ tăng thêm áp lực lên các nước và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm triển khai các khoản đầu tư lớn cần thiết để đạt thế giới được 11.000 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030. Liệu các chính phủ và công ty có huy động được những khoản đầu tư khổng lồ đó hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi hoạt động triển khai năng lượng tái tạo tăng mạnh trên toàn cầu trong nhiều năm qua, chi phí gia tăng, hạn chế về lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến nhiều dự án bị trì hoãn và hủy bỏ trong những tháng gần đây.
Lê Linh (Theo WSJ, AFP, Reuters)