Tại khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), UNESCO đã ký kết một thỏa thuận hợp tác mới với Imexco, đối tác từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu của chương trình hợp tác là thực thi các hành động nhằm tăng cường năng lực bảo vệ di sản và các thực hành sản xuất xanh; hướng tới nâng cao nhận thức và thực hành tiêu dùng bền vững của các nhóm cộng đồng, các tổ chức sinh hoạt trong không gian di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng của Việt Nam.
Các hoạt động bao gồm tổ chức diễn đàn đối thoại để hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm của các nhà các nhà sản xuất địa phương, các nhà sản xuất trong nước gắn với di sản văn hóa, di sản thiên nhiên. Chuyển đổi nhận thức và hành động trong sản xuất, tiêu dùng bền vững và tư liệu hóa các thực hành bền vững nhằm minh chứng cho sự đóng góp vào việc bảo vệ và bảo tồn di sản trong quá trình phát triển.
Sự kiện này diễn ra trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, với sự tham gia của ông Firmin Edouard Matoko – Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và đối ngoại, ông Jonathan Baker – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng với lãnh đạo của các cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, và đối tác của UNESCO.
Những người hưởng lợi trực tiếp từ dự án này bao gồm cộng đồng địa phương, nhất là doanh nghiệp và người lao động sinh sống và sinh hoạt tại các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận.
Imexco với vai trò là nhà phân phối, sẽ là cây cầu nối giữa nhà sản xuất và các tổ chức tiêu dùng, người tiêu dùng. Imexco cho biết luôn theo đuổi khát vọng thúc đẩy nhanh hơn sự chuyển đổi sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời quảng bá cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao nhận thức chung về giá trị của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ văn hóa và bền vững về môi trường của Việt Nam.
Imexco tin rằng những nỗ lực đó góp phần quan trọng trong việc tạo dựng các thương hiệu bền vững cho Việt Nam, nâng cao uy tín và phát huy giá trị, lợi thế về di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng của Việt Nam trên phương diện phát triển kinh tế xã hội và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương.
Việc lồng ghép các nguyên tắc giảm thiểu phát thải, quy trình sản xuất xanh, phân phối xanh thân thiện với môi trường và di sản văn hóa cũng sẽ góp phần thực thi các mục tiêu chung của Liên Hợp quốc về bảo vệ trái đất, thực thi các mục tiêu của chính phủ Việt Nam về zero carbon (Net Zero) vào năm 2050 như Thủ tướng đã cam kết tại Hội nghị COP 26 diễn ra Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.
Trường Thịnh