Vừa qua, lớp tập huấn cho giảng viên ToT triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) đã khai giảng tại TP.HCM.
Lớp học đặc biệt phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa
TS Nguyễn Trung Đông – Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện hiệu quả đề án, một trong những việc cấp bách là phải xây dựng đội ngũ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
“Chúng tôi mong rằng các học viên được cử đến đây học tập, sắp xếp tham gia đầy đủ, bởi đây chính là những người đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai trên thực địa. Ban tổ chức lớp học sắp xếp các chuyên gia am hiểu sâu, nắm rõ và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để triển khai các nội dung liên quan” – ông Đông bày tỏ.
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, đây là một lớp học đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ về thành phần tham dự, nội dung khóa học và tính cấp thiết. Theo đó, thành phần tham dự là những cán bộ trẻ, năng động, có khả năng tiếp cận và ứng dụng thành thạo các kỹ năng về công nghệ thông tin.
“Lớp học lần này rất đặc biệt, là “hạt nhân của những hạt nhân”. Chúng tôi đang thiết kế hàng nghìn lớp học trong chương trình phục vụ đề án này. Nhưng riêng lớp này vô cùng quan trọng để chúng ta cùng nhau nhận thức, cùng nhau hình thành tư duy để xây dựng kế hoạch hành động cho đề án” – ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kỳ vọng các học viên sau khi tham gia khóa học sẽ có sự truyền tải hiệu quả đến địa phương nơi công tác.
Ông Tùng mong các học viên thật sự đặt tâm huyết vào lớp học, vào đề án và triển khai tận tâm đến những người lên quan: “Sau lớp học này các anh chị là “sứ giả” của Bộ NNPTNT trong việc triển khai đề án tại địa phương. Chúng ta đừng quá cứng nhắc bám theo tài liệu, mà phải nghe, hiểu hồn cốt của đề án này. Các anh chị muốn làm thật sự cho nhà mình, cho làng xóm mình, cho quê hương mình thì chúng ta phải tiếp nhận thông tin hiệu quả và truyền đạt lại bằng cảm xúc, từ trái tim đến trái tim”.
Được biết, tham gia lớp học kéo dài 3 ngày lần này là các học viên là đại diện Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn, cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, cán bộ thủy nông phụ trách vùng, cán bộ thu mua sản phẩm của các tỉnh trong vùng đề án… Đây là lớp tập huấn đầu tiên nhằm đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng 5 tỉnh có mô hình thí điểm chuẩn về canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại các địa phương trong năm 2024 trở thành tiểu giáo viên.
Lớp tập huấn cho giảng viên ToT triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gồm các nội dung: Vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL; hướng dẫn phương pháp đo đạc, kiểm đếm, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (khung đo đạc MRV), tín chỉ và thị trường carbon; vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa; HTX tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải; tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao giảm phát thải; các giải pháp, công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Tháng 8 có sản phẩm “lúa giảm phát thải” đầu tiên
Liên quan Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ngày 24/4, Bộ NNPTNT đã tổ chức lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Đề án này sẽ hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Theo ông Ngô Thế Hiên – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT), Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo đề án, ngày 20/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ký quyết định thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo đề án. Văn phòng Ban Chỉ đạo đề án đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị triển khai đề án tại Kiên Giang.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay Ban Chỉ đạo đề án đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao và nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 8/2024, chúng ta sẽ có sản phẩm lúa giảm phát thải do Cục Trồng trọt công bố tiêu chuẩn cơ sở.
Tuy nhiên, để có đủ cơ sở pháp lý công nhận sản phẩm lúa phát thải thấp, Bộ NNPTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ở ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm (ít nhất 250ha) chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, triển khai liên tục trong 3 vụ: hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025-2026.
Đầu tháng 5/2024, Bộ NNPTNT sẽ họp với các tỉnh ở ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xây dựng cơ sở pháp lý về chi trả tiền giảm phát thải và làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất về cơ chế, mức chi trả… để trình Chính phủ.
Quang Sung – Thiên Hương