Ba câu hỏi lớn trong bài toán kép
Phát biểu tại tọa đàm “Hợp tác để xanh hơn – Chuyển đổi đô thị xanh – Từ Đan Mạch đến Việt Nam” tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 28/11, ông Lasse Pedersen Hjortshoj, Đại biện toàn quyền Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2021 và sau đó được nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược xanh năm 2023, hai nước đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển đô thị.
Ở cấp độ chính phủ, ông Hjortshoj cho biết, đây cũng là nội dung quan trọng mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề cập trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Đan Mạch trong ngày 26/11 vừa qua, bên cạnh các thành tựu hợp tác về văn hóa, giáo dục và nông nghiệp. Ở cấp độ doanh nghiệp, những năm gần đây ghi nhận ngày càng nhiều các công ty Đan Mạch quan tâm đến thị trường Việt Nam và thành lập nhiều cơ sở đại diện cũng như chuỗi cung ứng tại các tỉnh thành để giúp đỡ nước bạn trong quá trình chuyển đổi xanh.
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. Khi thế giới chuyển mình hướng đến một tương lai xanh hơn, các thành phố đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cần thiết để tạo nên những môi trường đô thị đáng sống, khả năng thích ứng tốt và bền vững cho các thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ấn tượng và quá trình hiện đại hóa nhanh chóng trong kỷ nguyên số của Việt Nam đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng, bao gồm ô nhiễm không khí, mật độ giao thông cao, khan hiếm nguồn cung nước, quản lý rác thải và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu “vừa chuyển đối số, vừa chuyển đổi xanh” đang đặt ra những thách thức lớn không chỉ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước mà còn phụ thuộc vào các chính sách quản lý của những nhà điều hành.
“Để giải được bài toán kép “vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh”, Việt Nam cần đi tìm lời giải cho ba câu hỏi lớn: Những chiến lược thực tiễn nào có thể giúp Việt Nam tích hợp hạ tầng xanh và các hoạt động bền vững vào quy hoạch đô thị? Làm thế nào để các cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia và chính phủ có thể hợp tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh? Việt Nam có thể học hỏi gì từ các kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia khác trong việc giải quyết các thách thức đô thị hóa?”, ông Hjortshoj nói.
Thách thức khi đi tìm lời giải
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia cấp cao của Net Zero Việt Nam – một tổ chức chuyên nghiên cứu về phát thải ròng ở Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến mục tiêu kép về chuyển đổi đô thị xanh không dễ thực hiện, do mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam vẫn còn cao, đặc biệt ở nhưng khu đô thị lớn.
Chuyên gia này lấy ví dụ, phát thải điện than ở các khu vực phía đông và đông bắc theo dòng khí quyển di chuyển vào Hà Nội, sau đó bị chặn lại bởi hệ thống núi như rặng Ba Vì khiến luồng phát thải này tụ lại ở trung tâm thủ đô, gây ô nhiễm không khí. Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội hiện nay đang cao gấp 15,2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Tốc độ tăng trưởng nhanh và mật độ dân cư lớn ở các đô thị Việt Nam cũng khiến sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng để phục vụ nhu cầu giải nhiệt của người dân ở trong nhà cũng như khi di chuyển trên đường phố. Tuy nhiên, nguồn điện chính mà Việt Nam đang sử dụng là điện than, tạo ra mức phát thải ròng lớn hơn so với các nguồn năng lượng tự tái tạo như gió, mặt trời,…, ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết.
Chuyên gia của Net Zero cho hay, việc giảm phát thải sẽ đạt được mục tiêu kép là giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí tiêu thụ điện năng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chế tài quản lý chưa hoàn thiện và kế hoạch chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều lỗ hổng đang ngăn cản quá trình “chuyển đổi số đi kèm chuyển đổi xanh” ở những khu vực đang trên đà phát triển.
“Nhiều quốc gia trên thế giới đã phạt hành chính những cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu một đề án tương tự, áp dụng cho những công dân Việt Nam muốn di chuyển bằng phương tiện cá nhân là ô tô và xe máy thì phải trả phí môi trường, nhằm khuyến khích họ sử dụng các phương tiện công cộng và tiến tới giảm phát thải ròng. Song, do vẫn chưa có phương pháp đo lường chính xác lượng phát thải từ các phương tiện cá nhân này và thiếu chính sách áp phí rõ ràng khiến đề xuất này vẫn còn nằm trên giấy”, ông Nguyễn Hoàng Phương nói.
Lời giải nằm từ mô hình chuyển đổi xanh của các nước bạn
Bà Henriette Vamberg, Giám đốc Gehl Châu Âu, Châu Á và Úc – một công ty tư vấn nghiên cứu và thiết kế đô thị cho biết, công ty đã thu thập dữ liệu khảo sát trên nhiều thành phố lớn như New York, Sydney, Copenhagen,.. và nhận thấy rằng trong quá trình đô thị hóa, không gian dành cho người đi bộ đã tăng lên rõ rệt. Các không gian “xanh” như công viên, thảm thực vật xung quanh hồ chứa nước, các sân chơi công cộng phủ bóng mát nơi người dân có thể dừng chân thư giãn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Việc người dân dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên thay vì dành thời gian ở nhà hay di chuyển bằng các phương tiện chạy xăng, dầu cũng làm giảm lượng tiêu thụ điện năng và cân bằng thức phát thải ròng do các hoạt động công nghiệp thải ra.
Được xếp hạng trong top 3 các thành phố bền vững và đáng sống nhất thế giới, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ và truyền cảm hứng cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi đô thị xanh. Theo bà Vamberg, đây từng là thành phố “tắt đèn” lúc 5 giờ chiều nhưng cùng với nhịp chuyển mình của thế giới, thời gian hoạt động của Copenhagen đã được kéo dài hơn nhờ tích hợp các cơ sở mua sắm, giải trí hiện đại với các không gian “xanh” nơi công cộng, vừa kích cầu kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, bà Henriette Vamberg cho rằng, bất kỳ chế tài quản lý nào cũng đều có lỗ hổng; do đó, giải pháp giáo dục và tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bà lấy ví dụ ở Đan Mạch, nhiều người dân, trong đó có trẻ em, đã tự giác dọn dẹp các khu vực công cộng, cũng như sử dụng xe đạp khi di chuyển.
Cũng theo bà Vamberg, mô hình tích hợp hạ tầng xanh và thực hành bền vững vào quy hoạch đô thị cũng nên dựa trên các đặc điểm cụ thể của từng thành phố cũng như nguyện vọng của người dân. Bà Vamberg nhấn mạnh, cần tạo ra một môi trường “mở” để người dân, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực đề xuất ý kiến và bày tỏ quan điểm, tiến tới hoàn hoàn thiện hai mục tiêu chuyển đổi xanh và hiện đại hóa đô thị trong thời đại số.
Diệp Thảo