Phát biểu tại Lễ phát động Chiến dịch “Race to Net Zero” (tiến tới phát thải ròng bằng 0) và Diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon,” tổ chức ngày 16/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của biến đổi khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050.
Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới.
Thực trạng này thúc đẩy Việt Nam phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ để bảo vệ môi trường.
Phát thải ròng bằng 0 hay “Net Zero” là cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26). Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nêu cam kết mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 – Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Nhằm hiện thực hoá các mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra chiến lược, mục tiêu trong tương lai, cụ thể như:
– Ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone;
– Quyết định số 01/QĐ-TTg về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính;
– Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; chuẩn bị xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định MRV khí thải nhà kính đa lĩnh vực; xây dựng khung chính sách phát triển thị trường carbon…
Đây là các cơ sở cơ bản để các bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội chung tay thực hiện, hành động đạt mục tiêu Net Zero.
Bảo Ngọc