
Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế – xã hội và yêu cầu cấp bách về chuyển đổi mô hình phát triển, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, diễn ra từ ngày 14 đến 17/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội.
Với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành diễn đàn quốc tế quan trọng nhằm thúc đẩy đối thoại, chia sẻ sáng kiến và tăng cường hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 8/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai và dịch bệnh, thì các vấn đề về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.”
Việt Nam là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế thông qua hàng loạt cam kết mạnh mẽ tại các diễn đàn toàn cầu, đặc biệt là tại Hội nghị COP26. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% khí metan vào năm 2030, và đang triển khai đồng bộ các chính sách để hiện thực hóa các cam kết này.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định: “Chúng tôi không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng. Việt Nam lựa chọn con đường phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm và bảo đảm công bằng trong quá trình chuyển đổi.”
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025 là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì một hội nghị quốc tế cấp cao chuyên sâu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây cũng là hội nghị đa phương có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực này mà Việt Nam đăng cai trong giai đoạn 2021–2026.
Dự kiến sẽ có khoảng 800–1000 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên P4G, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp lớn và các quỹ đầu tư có ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều lãnh đạo quốc tế đã xác nhận tham dự, bao gồm Thủ tướng Ethiopia, Thủ tướng Lào, Phó Thủ tướng Campuchia, Bộ trưởng các nước Hàn Quốc, Indonesia, UAE, Rwanda cùng đại diện cấp cao của Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Colombia, Nam Phi, Ý… Bên cạnh đó là sự góp mặt của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), HSBC và nhiều thể chế tài chính – phát triển lớn trên thế giới.
Hội nghị P4G 2025 cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về hình ảnh một quốc gia đang đổi mới mạnh mẽ, giàu bản sắc văn hóa và quyết tâm cao trong việc chuyển đổi mô hình phát triển. Những thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), tiến trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), cùng các chính sách về năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn đang là những điểm sáng thu hút sự quan tâm của các đối tác phát triển.
Việt Nam kỳ vọng thông qua Hội nghị Thượng đỉnh P4G, các quốc gia sẽ cùng chia sẻ câu chuyện thành công, giới thiệu sáng kiến đổi mới và chung tay tìm kiếm các giải pháp khả thi, hiệu quả để thúc đẩy một tương lai phát triển xanh, toàn diện và bền vững cho toàn cầu.
Các hoạt động chính của hội nghị bao gồm Triển lãm về Tăng trưởng xanh, phiên Thảo luận cấp cao, Đối thoại doanh nghiệp và 5 phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, tập trung vào các nội dung then chốt như: huy động nguồn lực tài chính, chuyển đổi hệ thống lương thực, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chuyển đổi năng lượng hiệu quả.
Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua một số văn kiện quan trọng như Tuyên bố Hà Nội và Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác với các cơ chế đa phương trong chuyển đổi xanh. Thông qua sự kiện này, Việt Nam mong muốn quảng bá hình ảnh một đất nước đổi mới, năng động, giàu bản sắc văn hóa và có quyết tâm cao trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.
Phương Thảo