Từ sản xuất xanh…
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow (Anh) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050”.
Cam kết đó cho thấy Việt Nam đang chọn lựa con đường quan trọng cho 2 thập niên phát triển tiếp theo, hướng đến một nền kinh tế phát triển cao, bền vững và tôn trọng môi trường.
Những người trẻ như Thanh Hà lớn lên giữa cuộc khủng hoảng khí hậu, vừa phát sinh đại dịch Covid-19, vừa liên tục đối mặt với các thảm họa môi trường và hiện tượng thời tiết cực đoan. Câu chuyện môi trường không còn là bài học đạo đức trong sách hay tờ rơi dán trên tường cổ vũ thông thường nữa. Mỗi người trẻ giờ đây sống trong không khí của sự biến đổi và buộc phải chọn hành động phù hợp để mình có cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và “hòa thuận” cùng môi trường.
Tôi đã đọc những lý thuyết như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên báo, chia sẻ cho người trẻ thấy chọn lựa mới mà họ cần phải theo đuổi, vẫn phát triển cá nhân, làm kinh tế và làm giàu, nhưng không chọn hy sinh môi trường. Người trẻ giờ đây có thể học tập những công nghệ mới, những mô hình sản xuất và làm việc mới, chọn lựa các nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu tái chế, là phần thải bỏ từ các ngành sản xuất khác nhưng vẫn có thể sản xuất thành sản phẩm có ích và có giá trị kinh tế tốt.
Giờ đây nghe đến chữ sản xuất không phải cứ là chặt cây làm nhà xưởng, khai thác, múc lấy tài nguyên từ thiên nhiên để “sản xuất”, không chỉ mang ấn tượng về chuyện cứ sản xuất là gây hại môi trường. Nhiều mô hình sản xuất sáng tạo của người trẻ sử dụng loại nguyên liệu mới, như ống hút làm từ bột gạo, bã mía, cỏ bàng… đều giúp sản xuất ra sản phẩm phục vụ tiện nghi hiện đại, nhưng không hy sinh môi trường sống, lại dùng nguyên liệu có sẵn hoặc tái chế của ngành khác. Người trẻ đã chứng minh sống xanh không nhất thiết phải hy sinh sản xuất, hy sinh sự phát triển hoặc từ bỏ ý nghĩ làm giàu. Sống xanh bắt đầu từ khao khát cải thiện chất lượng sống và có tri thức để tôn trọng môi trường và nghĩ ra sáng kiến sản xuất mới.
…đến tiêu dùng xanh
Sản xuất xanh chưa đủ, sống xanh trong tiêu dùng hằng ngày cũng đang được truyền tai nhau trong các nhóm bạn trẻ. Có nhiều nhóm đã đi đến chợ, vận động các cô chú tiểu thương cách giảm sử dụng túi ni lông dùng một lần, dùng một túi cho nhiều món, khuyến khích các chị em, các bà mẹ đi chợ mang theo giỏ hoặc dùng lại túi ni lông cũ còn sạch ở nhà.
Có lần Thanh Hà đi chợ cùng mẹ, đã nhìn thấy các cô bán hàng rau “mặc cả” với người mua dùng một túi bỏ lẫn nhiều loại rau thay vì mỗi túi một loại như ngày trước. Bọc ni lông rẻ đó, nhưng nó tràn lan không phân hủy khắp nơi quanh ta.
Cũng những nhóm bạn trẻ đang chia sẻ “mẹo” dùng lại đồ cũ, sửa lại các món còn dùng được thay vì bỏ đi mua ngay đồ mới trên các sàn thương mại điện tử. Kinh doanh trên mạng đã làm nhiều người say mê mua sắm và bỏ ngay đồ cũ dù còn tốt hoặc chỉ hư chút ít.
Sống xanh còn có nghĩa là gia tăng vòng đời cho mỗi món đồ phục vụ đời sống và giảm thải bỏ ra môi trường. Có những bạn sửa lại quần áo, các món đồ chơi; có những nhóm nhận về các vật dụng đơn giản trong gia đình và sửa lại, rồi tặng cho các gia đình cần vật dụng ở các khu làng công nhân. Giảm vứt bỏ, giảm tiêu hao là tiêu chí quan trọng nhất trong sống xanh.
Sống xanh là ý thức về mỗi hoạt động hằng ngày của mình và sẵn sàng thay đổi để giảm áp lực lên môi trường sống, giúp không gian xung quanh trong lành, sạch sẽ, giảm tiêu hao tài nguyên và không xả rác bừa bãi. Để làm được điều đó, Thanh Hà tự hào khi thấy người trẻ đang là thế hệ tiên phong thực hiện điều này, và các bạn cũng đang “giúp” cha mẹ, ông bà thay đổi các thói quen cũ có hại cho môi trường.
Sống xanh còn là sự thay đổi tâm thế của mỗi người với môi trường xung quanh. Ta không coi môi trường là nơi mình tận dụng, đào bới, tiêu xài, tiêu diệt. Ta không coi các loài động vật hoang dã là để bắt nhốt, làm thịt, lấy gan, lấy mật, nấu cao. Ta không coi các loài cây cổ thụ là để làm bàn ghế, làm salon hay chạm khắc tượng. Ta học cách trân trọng sự tồn tại của các giống loài xung quanh mình.
Nếu bạn đến thăm khu bảo tồn, hãy nhớ bạn chỉ ngắm nhìn và quay trở về trong ngưỡng mộ, đừng bẻ cây gì, bắt con gì cả. Nếu bạn đi biển mùa hè, đừng bắt sao biển cầm lên bờ phơi khô, hay đập một cành san hô mang về nhà chưng cảnh. Hãy để biển được nguyên vẹn và bạn luôn quay lại ngắm nhìn.
Nếu bạn sống trong khu phố đô thị, trân trọng cảnh quan là trồng thêm cây xanh trong vườn nhà, góp cây xanh cho hẻm phố, chung tay dọn rác ngoài mương, ngoài cống… để môi trường quanh mình sạch đẹp.
Việt Nam xanh bắt đầu từ những cam kết tại COP26, và cũng bắt đầu từ sự đồng thuận của người dân trong mọi khía cạnh của đời sống, từ sản xuất, tiêu dùng, thói quen sống hằng ngày, và những hành vi của bạn trẻ hôm nay. Tuy Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng mỗi người có thể chọn đi cùng hành trình đến sự phát triển xanh thay vì sự phát triển ô nhiễm và bệnh tật.
Hành trình đó cần rất nhiều tri thức, sự quả cảm và cam kết của tất cả mọi người.
Nguyễn Thanh Hà – Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023