Tạp chí Kinh tế đặc biệt là chương trình thường niên lên sóng vào dịp Tết Nguyên đán do Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Với chủ đề xuyên suốt hơn 1 năm qua, năm nay, Net Zero được tiếp nối với câu chuyện mới về “Dấu chân carbon”. Chương trình sẽ kể về những dấu chân mà mỗi doanh nghiệp hay một lĩnh vực ngành nghề đang để lại. Họ làm cách nào để họ bớt được dấu chân của họ?
Từ đo dấu chân… tới xóa dấu chân và chung bước
Chia sẻ về về đề tài của Tạp chí Kinh tế đặc biệt năm nay, nhà báo Trần Hà, Trưởng phòng Kinh tế, VTV Digital cho biết ê-kíp thực hiện chương trình không phải suy nghĩ quá nhiều về đề tài, vì Net Zero là cả một lộ trình mà trong năm 2023 chị và các cộng sự đã thực hiện. Cuối cùng, ê-kíp đã chọn chủ đề về Dấu chân carbon – một chủ đề rất thời sự trong năm vừa qua và chủ đề này đã thực sự tác động mạnh đến doanh nghiệp.
Từ chủ đề đó, chương trình tập trung vào điểm nhấn xuyên suốt là hình ảnh những dấu chân. Bắt đầu từ câu chuyện đo dấu chân tới xóa dấu chân và cách mọi người đang chung bước ra sao.
“Dấu chân carbon” là việc đo đạc chúng ta thải ra bao nhiêu khí nhà kính mỗi năm. Giống như lựa chọn một đôi giày, đôi dép thì mỗi lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta sẽ góp phần định hình dấu chân carbon của mỗi người. Mỗi thứ vật liệu xây nên ngôi nhà của bạn, quần áo đang mặc, phương tiện di chuyển, hay đồ ăn, đều để lại dấu chân carbon của riêng nó, chỉ có là nhiều hay ít, vì gần như quá trình sản xuất ra thứ gì cũng phát thải.
Tạp chí Kinh tế đặc biệt 2024 là một cuộc hành trình, cũng giống như chương trình năm ngoái, ê-kíp sản xuất chương trình đã đi rất nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, từ nơi xa nhất ở Cà Mau cho tới những câu chuyện chính sách ở ngay Thủ đô, những trang trại, những cánh đồng, nhà máy, rất nhiều địa điểm khác nhau từ trên khắp đất nước để kể câu chuyện về Net Zero.
Trong cuộc hành trình đó có câu chuyện vệ những doanh nghiệp tiên phong, họ nhận thức được việc cần thiết phải chuyển đổi xanh, phải đo được dấu chân carbon của mình. Tuy nhiên họ không thể đi được một mình trên lộ trình Net Zero, mà hành trình của họ sẽ cần phải có những người đồng hành khác. Vậy những người đồng hành khác đó là ai? Là khách hàng của họ hoặc thậm chí quan trọng hơn, đó chính là những người làm chính sách.
Nhà báo Trần Hà cho biết: “Tạp chí năm nay chúng tôi đưa ra những câu chuyện về chính sách, liệu rằng chính sách đã theo kịp doanh nghiệp, đã hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp hay chưa? Chúng tôi rất mong những chương trình như thế này sẽ là những câu chuyện kể thật, sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn mình sẽ phải làm gì”.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dù có lớn, có tự mình chuyển đổi và có chuyển đổi xanh tích cực thế nào nữa, dù họ là những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, đo đếm được lượng phát thải của mình, nhưng họ không thể đi một mình mà phải đi cùng nhau.
Đồng quan điểm, BTV Tài Phan – thành viên ekip chương trình – nhận định: “Net Zero có thể là cuộc chạy đua về tiền bạc, về công nghệ nhưng quan trọng đầu tiên là cuộc chạy đua về nhận thức. Sự nhận thức đấy không phải đến từ một người, hai người, một doanh nghiệp hay hai doanh nghiệp mà nó là một sự nhận thức lan tỏa”.
Theo anh, đó là khi tất cả doanh nghiệp chuyển được những sự lo lắng, mong muốn và mục tiêu của họ tới những nhân viên của họ để những nhân viên và cũng chính là cộng đồng xung quanh đó cùng thay đổi. Từ những cử chỉ rất nhỏ, như họ tiết kiệm trong quá trình họ sản xuất, hạn chế sử dụng cốc nhựa khi họ uống nước ở trong những nhà máy , hay về nhà họ trồng thêm cây xanh, bảo vệ môi trường xung quanh mình và sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn…
“Những hành động rất nhỏ nhưng khi chúng ta đã thay đổi góc nhìn của mình thì chúng ta tin rằng là tất cả sẽ cùng hướng tới một mục tiêu chung”- BTV Tài Phan
Tham gia vào những cuộc hành trình, những câu chuyện trải dài từ Bắc tới Nam, BTV Tài Phan đã theo đuổi và chứng kiến những câu chuyện đặc biệt. Trong đó, anh rất ấn tượng với một doanh nghiệp có sự tăng trưởng thần kỳ trong những năm vừa rồi. Hay những cây mắm có khả năng đặc biệt hấp thụ nhiều cacbon hơn so với các loại cây thông thường.
“Đó là câu chuyện của đất mũi Cà Mau và là câu chuyện của một doanh nghiệp. Họ muốn giảm dấu chân carbon của mình nên đã trồng thêm nhiều cây mắm, một loại cây đặc biệt để có khả năng hấp thụ nhiều cacbon hơn so với các loại cây thông thường ở cả rễ và cả ngọn. Khi họ trồng được rừng mắm như vậy nó sẽ giúp làm giảm xâm nhập mặn cho vùng đất mũi đó.
Tuy nhiên, không thể làm điều đấy một mình, bởi vì những vùng đất để họ trồng mắm cũng là những vùng sinh nhai của người dân ở đó. Nếu người dân không bảo vệ và chăm bẵm khu vực đó mà tiếp tục bước vào trong và đánh bắt thì đến một thời điểm nào đấy tất cả những nỗ lực của doanh nghiệp cũng bằng 0. Tất nhiên, nếu như người dân giữ gìn vùng đất đến khi cây mắm lớn lên thì chính người dân sẽ được hưởng lợi từ vùng đất đó. Nó cũng trở thành một vùng đất trù phú và sau này, con cháu họ vẫn có thể sinh sống, đánh bắt ở đó” – BTV Tài Phan chia sẻ.
“Chúng tôi may mắn có một ekip quay phim, đội ngũ đồ họa, thiết kế cực kỳ xịn sò. Cho nên việc mình thể hiện một nội dung khô cứng thành những nội dung mềm mại, dễ hiểu, gần gũi hơn với người xem, cũng dễ thở hơn rất nhiều với chúng tôi”- BTV Tài Phan
Chương trình là Bức tranh sắc màu
Tạp chí Kinh tế đặc biệt 2024 là một bức tranh sắc màu khi nhìn vào chương trình, chúng ta sẽ thấy màu đỏ của những doanh nghiệp tăng trưởng nóng, màu xanh của những doanh nghiệp đang cố gắng giảm rác thải carbon và đâu đấy là bước chân của chính chúng ta – những người nông dân, công nhân, nhân viên văn phòng… Từ đó, mỗi người nỗ lực để thay đổi và đồng hành cùng với doanh nghiệp của họ về giảm dấu chân carbon của chính họ và của cả chính doanh nghiệp.
Dấu chân carbon là một chủ đề không phải dễ hình dung ra ngay lập tức. Bởi vậy toàn bộ thành viên ekip chương trình đã có sự đầu tư nghiên cứu và đi tới rất nhiều vùng miền để có thể vừa mang tới cho khán giả một cái nhìn tổng thể, vừa mang tới những câu chuyện cụ thể, ấn tượng qua cách kể mềm mại, mới mẻ.
Nhà báo Trần Hà hy vọng chương trình năm nay sẽ một lần nữa là điểm nhấn và đồng hành với doanh nghiệp trên lộ trình hướng tới mục tiêu Net Zero.
“Trong hành trình dấu chân của các phóng viên VTV Money đã đi, chúng tôi nhận thấy có những doanh nghiệp họ thực sự nhận thức được việc đo dấu chân carbon của mình, đong đo lượng phát thải của mình thải ra như thế nào để từ đó họ chủ động giảm thải. Tuy nhiên cũng không ít các doanh nghiệp vẫn phải trăn trở về chuyện đo bằng cách nào, đo như thế nào và thậm chí là có cả doanh nghiệp đặt ra câu hỏi là đo để làm gì?”.
Với những cuộc hành trình mới, Net Zero tiếp tục là một câu chuyện dài hơi. Những người thực hiện chương trình đã khởi động và theo đuổi, chắc chắn trong những năm tới đây vẫn sẽ là một chủ đề xuyên suốt.
Khán giả đón xem chương trình Tạp chí Kinh tế đặc biệt được phát sóng vào 20h05 mùng 2 Tết (ngày 11/2) trên kênh VTV1.
(VTV.vn)