Theo thông cáo báo chí phát đi từ WB, ĐBSCL là vùng dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam để phục vụ cả tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu. Hiện vận tải hàng hóa bằng đường bộ, gây ra khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông, thải ra lượng carbon nhiều hơn gấp sáu lần so với vận tải đường thủy.
Vì thế, chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa có ý nghĩa rất quan trọng để giảm phát thải carbon trong ngành giao thông vận tải của Việt Nam.
“Các tuyến đường thủy khu vực phía Nam của Việt Nam có tiềm năng to lớn là phương thức vận tải rẻ hơn, xanh hơn và an toàn hơn. Dự án này trực tiếp hỗ trợ cho Việt Nam thúc phát triển giao thông đường thủy nội địa, giảm phát thải carbon trong ngành giao thông vận tải, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh thương mại của đất nước”, theo bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào.
Theo WB, nâng cấp hành lang vận tải Đông-Tây sẽ giúp giảm khoảng 30% khoảng cách vận chuyển giữa cảng lớn nhất vùng ĐBSCL tại Cần Thơ và cảng có lưu lượng lớn nhất Việt Nam tại TPHCM. Cải tạo hành lang vận tải Bắc-Nam sẽ trực tiếp kết nối vùng ĐBSCL và vùng nội địa với cảng nước sâu chính của Việt Nam để phục vụ hoạt động thương mại quốc tế, giảm phát thải và chi phí logistics.
Dự án cũng hỗ trợ hệ thống phao tiêu báo hiệu và cải tạo các khúc cua gấp trên tuyến đường thủy, giúp cải thiện an toàn. Dự án dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp và người lao động, các đơn vị khai thác tàu bè cũng như toàn bộ người dân ở các tỉnh phía Nam.
Trước đó, vào năm 2022, trong Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và phát triển cho Việt Nam của WB đã coi việc đẩy mạnh vận tải đường thủy nội địa là một trong những biện pháp mang lại nhiều tác động nhất nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải của Việt Nam.
Nam Nguyên