Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới đã rất tích cực đầu tư vào các công nghệ giao thông xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt nhằm giảm phát thải CO2.
Chuyển đổi năng lượng xanh cho đường sắt
Theo dự báo, toàn ngành GTVT phát thải đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy chiếm 10%; hàng không chiếm 6%; đường sắt không đáng kể. Do hiệu suất phát thải CO2 thấp, đường sắt là một phương tiện di chuyển quan trọng có tính bền vững, thân thiện với môi trường.
Với mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính về “0” đến năm 2050, cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 876/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mêtan của ngành GTVT”.
Là một trong những lĩnh vực hiếm hoi có suất phát thải khí cacbon thấp, đường sắt được đánh giá là phương tiện di chuyển quan trọng có tính bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lĩnh vực này đứng ngoài chiến lược “xanh hóa” môi trường.
Theo Quyết định 876/QĐ-TTg, nhiệm vụ của ngành đường sắt là nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.
Về giải pháp, đường sắt cần tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường sắt như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện hữu; ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu; kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Cùng với đó, cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến, ga đường sắt hiện có, cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh. Thí điểm xây dựng một số đoạn tuyến đường sắt mới đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh tiến tới đầu tư xây dựng, phát triển toàn bộ các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa đáp ứng cho phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh. Xây dựng quy định, tiêu chí nhà ga xanh và triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi toàn bộ nhà ga theo tiêu chí xanh.
Tàu điện sẽ là phương tiện của tương lai
Mới đây, Bộ GTVT ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê tan của ngành GTVT. Điều dễ nhận thấy nhất trong bản kế hoạch đầy tham vọng này là đường sắt có nhiều dự án trọng tâm nhằm chuyển đổi năng lượng xanh, triển khai thực hiện từ nay đến năm 2050.
Cụ thể, về phương tiện, đường sắt sẽ chuyển đổi thay thế 244 đầu máy, 80 toa xe phát điện sang sử dụng điện, năng lượng xanh trong giai đoạn 2031 – 2050, kinh phí dự kiến 12.420 tỉ đồng, do Bộ GTVT, doanh nghiệp vận tải đường nghiệp sắt chủ trì thực hiện, nguồn ngân sách Nhà nước và nước ngoài.
Về hạ tầng, sẽ xây dựng mới 17 tuyến đường sắt quốc gia trong giai đoạn 2022 – 2050, kinh phí dự kiến 738.742 tỉ đồng. Cùng đó là các dự án xây dựng nhánh đường sắt kết nối một số cảng biển (Nghi Sơn, Liên Chiểu, Cửa Lò, Chân Mây, Dung Quất, Vân Phong, Phan Thiết, Cà Ná, Cam Ranh, Thịnh Long…) giai đoạn 2022 – 2050.
Những dự án này do Bộ GTVT và các bộ, ngành, UBND tỉnh/TP chủ trì thực hiện, nguồn ngân sách Nhà nước và nước ngoài. Đặc biệt, “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng được nêu cụ thể trong bản kế hoạch này khi đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022 – 2025 sẽ chuẩn bị và xây dựng 3 đoạn của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (Hà Nội – Vinh, Vinh – Nha Trang, Nha Trang – TP Hồ Chí Minh với mức kinh phí dự kiến 1.334.243 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, nhiên liệu sử dụng phổ biến trong ngành đường sắt Việt Nam hiện nay là dầu disel để chạy tàu máy và toa xe. Do đó, để “xanh hóa” môi trường vận tải đường sắt, giải pháp về năng lượng sẽ là chủ đề đầu tiên cần tính tới. Năng lượng có thể sử dụng để thay thế cho nhiên liệu truyền thống là điện năng, khí đốt, nhiên liệu sinh học, hydro, năng lượng mặt trời (sử dụng trực tiếp hoặc tạo ra điện).
Trong đó, năng lượng điện sẽ dùng để vận hành phương tiện đường sắt như tàu điện metro, tàu điện cao tốc, tàu điện một ray,… Điện năng đã được sử dụng từ lâu để chạy các phương tiện đường sắt như các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Sử dụng năng lượng điện sẽ giảm thiểu 100% lượng phát thải trực tiếp chất ô nhiễm ra môi trường. Những năng lượng sạch khác cũng cần được tính đến. Điển hình là năng lượng sinh học được kỳ vọng sẽ có tiềm năng giảm từ 53-78% lượng CO2 so với diesel nguồn gốc hóa thạch, trong tương lai có thể giảm lên đến 90%.
Trong các loại phương tiện đường sắt sử dụng năng lượng điện thì đường sắt đô thị sẽ là phương tiện giao thông “sạch” cần đầu tư phát triển trong tương lai để hiện thực hóa giấc mơ “xanh hóa” môi trường giao thông đường sắt.
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, ở nước ta và một số quốc gia châu Á, đông đảo người dân hình thành thói quen đi lại bằng xe máy và dần chuyển sang ô tô khi thu nhập gia tăng. Bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro gặp TNGT cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị.
“Uỷ ban ATGT Quốc gia kêu gọi các cấp, ngành và đông đảo nhân dân đổi mới tư duy về giao thông, từng bước chuyển từ đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân sang đi lại bằng xe đạp, xe điện, phương tiện vận tải công cộng, gắn với đi bộ để giúp cho giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn” – ông Khuất Việt Hùng nói.
Giai đoạn 2022 – 2030, đường sắt sẽ nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; Xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2040, dừng từng phần sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từng bước đầu tư mới và chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; chuyển đổi 100% trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh tại các nhà ga…
Nguyễn Quý