Bắt nhịp xu hướng phát triển xanh của các ngành sản xuất
Mới đây, trong lễ ra quân đầu năm, Tổng công ty Viglacera – CTCP chính thức công bố Khu công nghiệp (KCN) Xanh và Thông minh “Thuan Thanh Eco-Smart IP” tại Bắc Ninh. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong những năm qua, Viglacera đã tiên phong ứng dụng công nghệ xanh với các sản phẩm vật liệu xanh, giúp giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng… Dự án Thuan Thanh Eco-Smart IP là bước đi tiếp theo của Viglacera trong hành trình xây dựng các KCN xanh, thông minh, nhằm từng bước góp phần thu nhỏ “dấu chân carbon”, bắt nhịp xu hướng phát triển xanh của các ngành sản xuất.
Hay từ một doanh nghiệp từng nằm trong “danh sách đen” với nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bã thải GYPS, nhiều năm qua, Công ty CP DAP – Vinachem (KCN Đình Vũ- Hải Phòng) đã không ngừng đầu tư thực hiện các biện pháp giảm thiểu các nguồn thải ra môi trường, gia cố các tuyến bờ bao bãi thải, đê bao các hồ chứa; tổ chức trồng cây theo kiểu bậc thang phủ xanh các bãi chứa; đầu tư bọc phủ màng HDPE bảo đảm an toàn các bãi chứa; trải màng HDPE các hồ chứa nước mưa; thu gom nước thải từ bãi chứa về nhà máy để sử dụng lại theo quy trình thiết kế… Quan trọng nhất là xử lý triệt để bã thải bằng việc chế biến để làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp mặt bằng. Hiện Công ty tiếp tục đầu tư thêm nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, trồng phủ xanh khu vực bãi chứa thạch cao PG, cải tạo nâng cấp một số tiện ích phục vụ công nhân, cải thiện môi trường làm việc tại các khu nhà xưởng xanh – sạch – đẹp.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Các KCN Hải Phòng, để khắc phục những hạn chế, bất cập về môi trường, vài năm trở lại đây, các KCN đã chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh trồng các rặng cây quanh bờ rào các công ty sản xuất; có cơ chế ưu đãi với các nhà đầu tư khi chủ động trồng thêm cây xanh quanh khu sản xuất, hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp…
Tập đoàn Lego (Đan Mạch) cũng đã chọn KCN xanh VSIP III tại Bình Dương để đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD. Mô hình KCN xanh của VSIP sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường… đáp ứng yêu cầu từ các nhà sản xuất.
Mục tiêu năm 2030 có 40-50% địa phương thực hiện KCN sinh thái
Với một đất nước đang tập trung nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế như Việt Nam, việc xây dựng các KCN xanh là cần thiết, để tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vào một địa bàn nhất định. Tuy nhiên, với việc xây dựng các KCN tập trung cao độ, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một thách thức nghiêm trọng cho các mục tiêu phát triển xã hội của Việt Nam. Chính vì vậy, việc hướng tới KCN Net Zero là hoàn toàn cần thiết.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ngành Công Thương đóng vai trò quan trọng trong xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, những “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát nguồn thải trong ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoáng sản, luyện kim…, hướng đến xây dựng các KCN xanh.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, 70-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,… đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp. Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình KCN, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường.
Trong thời gian tới với nguồn lực công – tư trong việc chuyển đổi, phát triển mô hình KCN sinh thái đang đặt ra cho Việt Nam một “cuộc chơi” mới nhằm tiến tới Net zero (mức phát thải ròng bằng 0). Điều đó đặt ra vai trò và trách nhiệm của nhiều bên có liên quan, trong đó Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chiến lược hành động tổng thể trên phạm vi quốc gia và làm cơ sở cho các địa phương và từng KCN triển khai thực hiện một cách bài bản.
Mới đây, theo báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, Khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây vừa là tham vọng lớn nhưng cũng là thách thức đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc phát triển các KCN sinh thái, chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín được coi là giải pháp hữu hiệu để góp phần hiện thực hóa mục tiêu.
Duy Anh