Toyota và General Motors hủy hợp tác sản xuất xe điện giá rẻ
Hôm 25/10, hãng xe Toyota của Nhật Bản và General Motors (GM) của Mỹ tuyên bố chấm dứt quan hệ đối tác trị giá 5 tỉ đô la để cùng nhau phát triển các mẫu xe điện giá rẻ. Tuyên bố được đưa ra khi họ đối mặt với nhu cầu chậm hơn kỳ vọng và các điều kiện thị trường đang thay đổi.
Việc hủy bỏ mối quan hệ hợp tác khoảng một năm rưỡi sau khi ký kết là quyết định mới nhất trong chuỗi quyết định của các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là GM, nhằm thu hẹp quy mô hoặc hủy bỏ các kế hoạch xe điện đã công bố trước đó. Thỏa thuận hợp tác này dự kiến sẽ sử dụng công nghệ pin Ultium thế hệ tiếp theo của GM để sản xuất hàng triệu chiếc xe điện có giá dưới 30.000 đô la Mỹ cho thị trường toàn cầu bắt đầu từ năm 2027.
Kể từ khi Toyota và GM công bố hợp tác, triển vọng nhu cầu xe điện trở nên mờ mịt do chi phí cao hơn, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc và nhu cầu của người tiêu dùng chậm hơn dự kiến. Gần đây, GM thu hẹp một số mục tiêu xe điện ngắn hạn, thông báo trì hoãn sản xuất ít nhất ba mẫu xe điện sắp ra mắt, đồng thời lùi kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp xe bán tải điện thứ hai ở bang Michigan cho đến cuối năm 2025.
“Nhu cầu xe điện trong năm tới có thể thấp hơn mong đợi”, Lee Chang-sil, Giám đốc tài chính của nhà sản xuất pin Hàn Quốc LG Energy Solution, dự báo.
Các nhà đầu tư đã phản ứng với triển vọng đang thay đổi của thị trường xe điện. Trong ba tháng qua, chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục iShares Self-Driving EV & Tech giảm hơn 24%, cao hơn nhiều so với mức giảm 8,3% của chỉ số MSCI All-World, đại diện cho chứng khoán toàn cầu. Quỹ hoán đổi danh mục này đầu tư vào cổ phiếu của các công ty ở thị trường phát triển và mới nổi có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng và đổi mới trong lĩnh vực xe điện, công nghệ pin và công nghệ tự lái.
Thực tế, doanh số bán xe điện vẫn đang tăng. Theo báo cáo của Cox Automotive, doanh số xe điện tại Mỹ trong quý 3 lần đầu tiên vượt 300.000 chiếc. Trong tháng 9, doanh số xe điện tăng 14,3% tại Liên minh châu Âu (EU) và 22% tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng nhu cầu đã chậm lại. Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, doanh số xe điện tăng 49% trên toàn cầu trong nửa đầu năm nay, giảm so với mức tăng trưởng 63% của năm trước. Trong số tất cả xe điện, 55% được bán ở Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ngày càng lép vế trước các đối thủ nội địa.
Tỉ phú Elon Musk lo lắng vì lãi suất cao
Tại Mỹ, một số đại lý cho biết làn sóng người mua đầu tiên sẵn sàng dùng thử xe điện đã qua và những người mua còn lại đang lưỡng lự vì giá niêm yết cao và phạm vi hoạt động còn hạn chế của nhiều mẫu xe điện.
Tuần trước, tỉ phú Elon Musk, CEO của hãng Tesla, giải thích lý do tại sao ông trì hoãn kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mexico. “Tôi lo lắng về môi trường lãi suất cao hiện nay. Đại đa số mọi người mua ô tô đều vay tiền trả góp hàng tháng. Nếu lãi suất vẫn ở mức cao hoặc thậm chí còn cao hơn nữa. thì mọi người sẽ khó mua ô tô hơn nhiều”, ông nói trong cuộc họp báo công bố thu nhập của Tesla. Các nhà sản xuất ô tô khác cũng đưa ra những lưu ý thận trọng tương tự.
Chỉ số Bloomberg EV Price Return Index, theo dõi cổ phiếu xe điện trên toàn, giảm gần 7% kể từ cuộc họp báo của Tesla vào hôm 18/10. Mức giảm này mạnh hơn mức giảm gần 2,5% của chỉ số S&P 500 trong cùng giai đoạn.
“Trong 12 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự điều chỉnh đáng kể về dự báo tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện”, nhà phân tích Charles Neivert của Piper Sandler, nói. Hôm 25/10, ông hạ cấp khuyến nghị đầu tư đối với cổ phiếu của Albemarle Corp. và Livent Corp, hai nhà cung cấp lithium, một trong những vật liệu thô quan trọng trong pin xe điện.
“Tại thời điểm này, hầu hết làn sóng đón nhận xe điện đầu tiên đã diễn ra và các hãng xe nhận thấy nhóm người mua tiếp theo chưa tham gia vào thị trường ở mức độ như dự đoán”, Neivert nói thêm. Ông cho rằng. lãi suất cao hơn và nỗi lo suy thoái kinh tế khiến người mua do dự. Điều này thấy chi phí vay tăng cao đang tàn phá ngành công nghiệp xe điện vẫn còn non trẻ.
Lãi suất tăng cao khiến cho các khoản vay mua ô tô trở nên đắt hơn, đồng thời khiến các công ty khó huy động vốn hơn. “Lãi suất tăng tiếp tục gây tổn hại đến tâm lý và gây áp lực cho những những hãng xe cần huy động vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh”, nhà phân tích Gabe Daoud của TD Cowen, viết trong một báo cáo gửi khách hàng.
Tuần trước, hãng Volkswagen của Đức cắt giảm triển vọng tỷ suất lợi nhuận trong năm nay do những tác động tiêu cực đối từ việc chốt mua vật liệu thô với giá cao trong tương lai vào cuối quí 3 vì lo ngại giá tăng mạnh hơn nữa. Một số vật liệu đó được sử dụng trong pin xe điện.
Giống như nhiều công ty công nghiệp khác, các nhà sản xuất ô tô sử dụng các hợp đồng tương lai và quyền chọn để phòng ngừa sự biến động giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, do nhu cầu xe điện chậm lại, giá vật liệu thô, bao gồm cả vật liệu được sử dụng nhiều trong pin, đang giảm. Kể từ đầu năm, giá lithium đã giảm 67%. Giá cobalt cũng giảm 20% trong năm nay và giảm hơn một nửa kể từ tháng 5 năm ngoái.
Hồi đầu tháng này, hãng xe Ford của Mỹ thông báo sẽ tạm thời cắt giảm một trong ba ca làm việc tại nhà máy lắp ráp xe bán tải chạy điện F-150 Lightning. Trong tháng 7, hãng giảm tốc độ sản xuất xe điện, chuyển đầu tư sang xe thương mại và xe hybrid.
Hôm 24/10, cổ phiếu của Nidec, nhà sản xuất động cơ điện của Nhật Bản giảm giá hơn 10%, mức giảm lớn nhất trong 15 năm qua, khi giới đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh của Nidec ở thị trường xe điện ngày càng khó khăn của Trung Quốc. Nidec dự kiến sẽ lỗ cả năm 15 tỉ yen (100 triệu đô la) ở mảng kinh doanh hệ thống động cơ truyền động E-Axle dành cho xe điện, thay vì sẽ có lợi nhuận như dự báo trước đây.
Xe điện không phải là giải pháp duy nhất để giảm khí thải carbon
Tuần trước CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, thông báo lợi nhuận quí 3 tăng 10,7%, mức tăng theo quí yếu nhất kể từ đầu năm ngoái do nhu cầu chậm lại và cạnh tranh gay gắt.
Dữ liệu cho thấy thị phần của CATL tại Trung Quốc trong tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, làm nổi rõ những thách thức mà công ty đối mặt từ các đối thủ nhỏ hơn và nhu cầu suy yếu.
Hôm 25/10, khi được hỏi về nhu cấu xe điện có dấu hiệu chững lại ở Mỹ trong thời gian gần đây, Chủ tịch hãng xe Toyota Motor (Nhật Bản), nói ngành công nghiệp ô tô đang nhận ra một thực tế rằng xe điện không phải là giải pháp duy nhất để giảm phát thải khí carbon. Ông nói: “Mọi người cuối cùng đã nhìn thấy thực tế này”.
Từ lâu, ông cho rằng ngành công nghiệp ô tô cần đa dạng hóa các quyết định đặt cược bằng cách tiếp tục đầu tư vào xe hybrid (vận hàng bằng động cơ điện lẫn động cơ xăng) và các sự lựa chọn khác, thay vì chỉ tập trung vào xe điện.
“Có nhiều cách để leo lên ngọn núi giúp chúng ta đạt được mục tiêu trung hòa carbon”, ông nhấn mạnh.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, nổi bật nhất là Toyota, đã cảnh báo mạnh mẽ hơn so với các công ty cùng ngành phương Tây về những thách thức mà xe điện đối mặt trong thời gian tới, bao gồm chi phí cao, khủng hoảng tài nguyên và cơ sở hạ tầng trạm sạc hạn chế. Với việc ra mắt các mẫu xe điện chậm hơn, các thương hiệu Nhật Bản đang chờ đợi phán xét xem liệu họ đã thất bại trong việc nắm bắt làn sóng kịp thời hay nhìn thấy chính xác mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng để chuyển đổi sang xe điện.
Một dấu hiệu thuận lợi cho Toyota là gần đây, thị trường xe hybrid ở Bắc Mỹ đang nóng lên và hãng đang cố gắng sản xuất càng nhiều xe hybrid càng tốt.
Lê Linh (Theo Reuters, WSJ, Bloomberg)