“Sân chơi” riêng của xe thuần điện nội địa
Tại châu Á, hầu hết các quốc gia bắt đầu phát triển mạnh xe điện đều có ít nhất một đại diện là nhà sản xuất xe “thuần” điện (EV – xe điện chạy bằng pin) sản xuất trong nước. Ví dụ, Nhật Bản có Nissan với hai sản phẩm ăn khách là Nissan Leaf và Nissan Ariya, Toyota bZ series (beyond Zero) với sản phẩm đầu tiên là bZ4X. Ấn Độ tự hào với các sản phẩm EV của Tata Motors (Nexon EV, Tiago EV, Tigor EV) và Mahindra (XUV400 EV). Việt Nam hiện có VinFast là nhà sản xuất xe điện lớn nhất với dải sản phẩm VF series. Các nhà sản xuất khác như THACO, TMT Motor, TC Motor cũng đều có tiềm năng rất lớn trở thành nhà sản xuất ô tô điện nội địa trong tương lai gần. Riêng Thái Lan vẫn kiên trì định hướng là trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu Đông Nam Á. Hầu hết xe hơi sản xuất tại quốc gia này, bao gồm xe điện đều được cấp phép bởi các công ty nước ngoài hoặc dạng lắp ráp (CKD).
Các nhà sản xuất ô tô điện nội địa được ví như niềm tự hào của ngành công nghiệp của mỗi quốc gia. Do đó, những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi sang EV sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt như: miễn thuế doanh nghiệp có thời hạn, trợ cấp công nghiệp v.v…
Bên cạnh đó, điều kiện mang tính sống còn của EV là phải có hạ tầng trạm sạc. Chính sách hậu thuẫn về trạm sạc tại mỗi quốc gia không giống nhau. Dù không “hào phóng” như Mỹ hay các quốc gia châu Âu, các nhà sản xuất EV nội địa tại châu Á cũng được hưởng nhiều chính sách khuyến khích phát triển trạm sạc như: ưu tiên về quỹ đất xây dựng hạ tầng, kết nối lưới điện, chính sách ưu đãi vay vốn…
Hiện tại, Nhật Bản có trên 29.000 trạm sạc công cộng, trong đó khoảng 8.000 trụ sạc nhanh (theo IEA, 2021) và dự kiến đạt 150.000 trạm vào năm 2030. Ấn Độ có 6.586 trạm sạc công cộng (theo BEE, 2023). Việt Nam hiện có khoảng 150.000 cổng sạc của VinFast trên phạm vi cả nước.
Với phân khúc EV, các nhà sản xuất ô tô nội địa sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá cả, hệ thống phân phối, hệ thống trạm sạc và đặc biệt là sự tín nhiệm, ưu tiên dùng sản phẩm trong nước của người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, với hệ thống trạm sạc khá bài bản; dải sản phẩm phong phú từ hạng A đến hạng E như VF e34, VF 5, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9; VinES là doanh nghiệp đầu tiên tại Đông Nam Á nắm giữ công nghệ lõi về cell pin, VinFast đang “chắc chân” ở vị trí dẫn đầu trong phân khúc EV.
Xe hybrid còn nhiều dư địa để phát triển
Vài năm trước đây, nhiều người còn hoài nghi về xu hướng phát triển của xe điện. Một số người cho rằng, không nhất thiết phải là xe chạy bằng điện mà có thể là xe chạy bằng năng lượng hydro, năng lượng mặt trời, hoặc các loại năng lượng “xanh” khác mới thực sự là tương lai. Điều đó có thể đúng, nhưng sẽ không xảy ra trong ít nhất 20 năm nữa.
Khác với xe chạy động cơ đốt trong, chu kỳ phát triển của xe điện ngắn hơn rất nhiều. Sự thay đổi về công nghệ có thể chỉ tính bằng năm, hoặc thậm chí tính bằng tháng. Tuy nhiên, về cơ bản, các nhà sản xuất ô tô, doanh nghiệp công nghệ vẫn đang tập trung nguồn lực cho phát triển xe điện, biểu hiện ở cuộc chạy đua về giá thành, tốc độ sạc pin, khả năng lưu trữ pin, khả năng tiết kiệm năng lượng, các tính năng an toàn chủ động mới, ứng dụng AI v.v…
Một chiếc ô tô điện đại diện cho một loại sản phẩm công nghệ cao, tương tự như smartphone, nó thường có vòng đời sử dụng khá ngắn. Nghĩa là, người dùng sẵn sàng bỏ một số tiền lớn hơn để sở hữu một chiếc xe điện, nhưng sau vài năm, họ có thể sẽ “lên đời” một chiếc xe điện khác để tiếp tục được thỏa mãn trải nghiệm công nghệ mới.
Do đó, xe hybrid (xe lai điện), dù chỉ là phương tiện “trung gian” giúp người dùng chuyển đổi dần sang xe “thuần” điện, vẫn có nhiều dư địa để phát triển tại thị trường Việt Nam bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, đa số các dòng xe hybrid không bị phụ thuộc vào trạm sạc (trừ xe plug-in hybrid – PHEV). Xe được trang bị hai khối động cơ là động cơ điện và động cơ xăng, kết nối theo dạng nối tiếp, song song hoặc hỗn hợp. Người dùng chỉ cần đổ xăng như xe chạy xăng truyền thống là có thể chạy được. Tuy nhiên, xe hybrid có ưu điểm là khả năng tiết kiệm xăng cao hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong nhờ cơ chế tự sạc khi phanh, giảm tốc, đồng thời, hạn chế khí thải CO2 ra môi trường. Đây là giải pháp an toàn và hữu ích dành cho các hãng xe điện muốn khai thác tại thị trường Việt Nam, nhưng gặp khó khăn về hạ tầng trạm sạc.
Thứ hai, số lượng xe hybrid vừa túi tiền của đa số người dùng Việt chưa có nhiều. Trên thực tế, doanh số bán hàng xe hybrid của Toyota tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây đều ở mức khá tốt, với các mẫu xe được nhiều người ưa chuộng như Corolla Altis 1.8HEV, Camry 2.5HV, Corolla Cross 1.8HV. Nissan tung ra sản phẩm xe hybrid mới là Nissan Kicks e-POWER có khả năng tự sạc kèm theo chế độ vận hành một chân ga e-Pedal Step, được đánh giá như một luồng gió mới cho thị trường xe điện Việt Nam. Các mẫu xe hybrid của Lexus, Audi, Mercedes-Benz thường có giá khá cao, nhưng vẫn thu hút khách hàng ở phân khúc cao cấp.
Theo báo cáo của Statista, năm 2022, xe hybrid là loại xe điện được bán nhiều nhất ở Nhật Bản với doanh số khoảng 1.467.680 chiếc, trong khi xe thuần điện chỉ đạt 58.810 chiếc, PHEV 37.770 chiếc.
Thứ ba, lộ trình “Net Zero” còn khá dài, đến năm 2050, nghĩa là xe hybrid vẫn còn dư địa phát triển thêm khoảng 27 năm nữa, trước khi chuyển đổi hoàn toàn sang EV. Do không tốn nhiều chi phí sản xuất ra những khối pin cỡ lớn, xe hybrid có lợi thế tích hợp thêm các tính năng, tiện ích cao cấp mà xe thuần điện ở cùng mức giá khó có thể làm được. Bên cạnh đó, xe hybrid mang lại cảm giác lái quen thuộc giống như xe chạy động cơ đốt trong, cũng là một yếu tố khiến người dùng thích thú.
Tuy nhiên, không phải dòng hybrid nào cũng phù hợp với thị trường Việt Nam. Trên thực tế, với những dòng xe micro hybrid, mild hybrid, động cơ điện có công suất nhỏ, chỉ là động cơ phụ, phục vụ tính năng start/stop, không trực tiếp tham gia dẫn động. Dòng PHEV vẫn phụ thuộc một phần vào trạm sạc, giá bán khá cao. Chỉ có dòng full hybrid như Nissan Kicks và một số mẫu xe của Toyota mới thực sự phát huy hiệu quả sử dụng của động cơ điện, thân thiện với môi trường.
Xu hướng xe điện mini giá rẻ
Có nhiều lý do để xe điện mini có cơ hội lớn tại Việt Nam và một số thị trường khu vực châu Á. Một là, xe điện mini thường có giá khá rẻ, phù hợp với túi tiền của đa số người dùng ô tô. Tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, nhiều mẫu xe mini có mặt trên thị trường có giá dưới 10.000 USD (dưới 235 triệu đồng), rẻ hơn những mẫu xe hạng A hiện nay.
Tại Việt Nam, hiện có ít nhất 2 đại diện chắc chắn góp mặt trên thị trường là Wuling HongGuang MiniEV do TMT Motor sản xuất, lắp ráp và VinFast VF3 vừa được giới thiệu ngày 7/7 vừa qua. Dự kiến, đến đầu năm 2024, Việt Nam sẽ đón nhận thêm một số mẫu xe điện mini mới theo dạng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Mức giá trên dưới 250 triệu đồng sẽ giúp cơ hội trải nghiệm và sở hữu ô tô điện của người dùng Việt Nam trở nên gần hơn bao giờ hết.
Hai là, xe điện mini phù hợp với đặc thù đường nhỏ, ngõ hẹp, mật độ giao thông đông đúc. Nhiều hộ gia đình sinh sống trong các ngõ, ngách, buộc phải gửi xe ở xa; nhưng với xe mini thì hoàn toàn có thể đi đến tận nhà để đón người thân, bạn bè. Thiết kế nhỏ, gọn của xe cũng giúp người dùng dễ xoay sở hơn khi ùn tắc giao thông.
Ba là, xe điện mini sở hữu khối pin nhỏ, phù hợp với nhu cầu di chuyển ngắn. Đồng thời, thời gian sạc đầy pin cũng nhanh hơn so với các mẫu xe điện cỡ lớn. Trước sự phát triển mạnh mẽ của các mẫu xe điện cỡ nhỏ, xe điện mini tại Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã phải thừa nhận rằng những dòng xe này có khả năng tiếp cận “tệp” khách hàng lớn hơn nhiều so với những mẫu xe tầm trung và cỡ lớn, có giá trên 30.000 USD.
Mặc dù vậy, xe điện mini cũng có những hạn chế nhất định. Với mức giá rẻ hơn cả những mẫu xe xăng rẻ nhất thị trường Việt Nam hiện nay như Kia Morning, Hyundai Grand i10, nhà sản xuất buộc phải cắt giảm rất nhiều tính năng trên xe điện như: lược bỏ một số hệ thống chỉnh điện, tính năng an toàn thế hệ mới, giảm chất lượng thân vỏ v.v… Dòng xe này chỉ phù hợp di chuyển với tốc độ trung bình và thấp, không cho phép di chuyển với tốc độ cao bởi dễ gây trục trặc, tai nạn. Bên cạnh đó, đa số mẫu xe điện mini là xe thuần điện nên vẫn cần có trạm sạc để đảm bảo sự tiện dụng. Việc sạc pin tại nhà chỉ phù hợp với những gia đình có đủ diện tích để đỗ xe và cắm sạc pin qua đêm. Ngoài ra, khoang nội thất của xe điện mini khá chật hẹp, cốp chứa đồ nhỏ hoặc không có cốp chứa đồ nên không phù hợp với nhu cầu di chuyển của cả gia đình.
Nhiều ý kiến cho rằng, xe điện mini giúp người dùng có cơ hội trải nghiệm xe điện, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe “xanh”. Khi thị trường xe điện phát triển đến một mức độ nhất định, xe điện mini có cơ hội trở thành mẫu xe “quốc dân”, phù hợp với người lao động thu nhập thấp, sinh viên, hoặc trở thành phương tiện di chuyển phụ trong cuộc sống hàng ngày. Nhà sản xuất sẽ cần tiếp tục nâng cấp, tích hợp các tính năng quan trọng vào xe để phù hợp hơn với số đông người tiêu dùng.
Thị trường xe điện Việt Nam được dự báo sẽ có bước nhảy vọt kể từ năm 2024 với sự tham gia của nhiều hãng xe trong và ngoài nước. Sẽ cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi phù hợp, kịp thời từ Chính phủ để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Đây sẽ là cơ hội vàng để Việt Nam vươn lên top 3 quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô khu vực Đông Nam Á.
Lê Vũ