Sáng 11/8, sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên của Liên Hiệp Quốc đã thảo luận về chủ đề “Hướng tới tương lai bền vững: Kỹ năng xanh cho thanh niên“.
Việc làm xanh không phải “trend”
Theo bà Nguyễn Ngọc Duyên từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, khi nói đến việc làm xanh, nhiều bạn trẻ thường nghĩ đến các công việc trong ngành năng lượng tái tạo, kỹ sư, quản lý môi trường, quản lý rác thải.
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh là một yêu cầu tất yếu ngay cả với các ngành nghề truyền thống. Ví dụ trong ngành dệt may, việc làm xanh liên quan đến chuyển đổi các hóa chất độc hại sang các loại thân thiện hơn với môi trường.
Việc làm xanh cũng không chỉ nói về quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đó còn là một việc làm thỏa đáng khi người lao động có thu nhập tốt, năng suất làm việc cao hơn, gắn với an sinh xã hội và bình đẳng giới.
Theo Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030, chuyển đổi xanh sẽ mang lại 8,4 triệu việc làm mới cho thanh niên, song có tới 60% thanh niên có thể thiếu kỹ năng cho kinh tế xanh.
“Việc làm xanh là một lộ trình, không phải trend (xu hướng – PV)“, bà Trần Hồng Vân từ Dự án Greenjobs – một ứng dụng giúp trang bị kỹ năng trong nền kinh tế xanh cho người trẻ, chia sẻ.
Như vậy, thanh niên Việt Nam cần gấp rút trang bị kiến thức căn bản về kinh tế xanh, kỹ năng xanh để tiến tới đáp ứng cho yêu cầu của mới của nền kinh tế.
Thanh niên cần làm gì?
Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc đề xuất các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ năng làm Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vì đây là loại báo cáo mà tất cả các doanh nghiệp sẽ sử dụng đến trong tương lai.
Hai nhà sáng lập trẻ tuổi của Coffuel – một dự án khởi nghiệp nhằm tái chế bã cà phê thành viên nén sinh khối – cho rằng thanh niên Việt Nam cần tìm hiểu thị trường việc làm và những yêu cầu chuyển đổi xanh trong các ngành nghề.
Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển trong chuỗi cung ứng hiện nay đang tạo ra nhiều phát thải, các bạn thanh niên cần tập trung tìm các giải pháp cải thiện trong lĩnh vực này.
Chị Hồ Hà My, cán bộ Chương trình thanh niên Live & Learn, cho rằng các bạn trẻ nên tìm hiểu về sự gắn kết giữa kỹ năng xanh với chính công việc hiện tại để kịp thời thay đổi, đáp ứng các yêu cầu trong tương lai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thế giới bước vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra đồng nghĩa với việc thanh niên Việt Nam cần trang bị kỹ năng để đáp ứng yêu cầu thời đại này.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thế giới bước vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra đồng nghĩa với việc thanh niên Việt Nam cần trang bị kỹ năng để đáp ứng yêu cầu thời đại này.
Điều này càng trở nên cấp thiết sau khi Việt Nam đặt mục tiêu net zero vào năm 2050 và đang đứng trước cơ hội từ tuyên bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) từ nhóm các nước G7.
Cuối tháng 10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị COP26 tổ chức tại Vương quốc Anh.
Tại hội nghị, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; tham gia Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…
Ngày 14/12/2022, đại diện Việt Nam và các nước G7 cùng đối tác phát triển là Liên minh châu Âu, Na Uy, Đan Mạch đã thông qua tuyên bố chính trị thiết lập JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thanh Hiền