
Amazon bắt đầu bán tín chỉ carbon cho nhà cung cấp, khách hàng doanh nghiệp và các công ty khác, nhằm giúp họ bù đắp lượng khí thải carbon. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp, nhà phát triển dự án và các nhà khoa học về đang tranh luận về mức sử dụng tín chỉ carbon trong chiến lược giảm phát thải, cũng như cách đảm bảo chất lượng của các tín chỉ này.
Gã khổng lồ bán lẻ Mỹ cho hay họ đã áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất có thể cho các khoản tín chỉ của mình, đồng thời hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong khi cac cơ chế giám sát hiện tại còn chưa đủ chặt chẽ.
Đây là lần đầu tiên Amazon tham gia vào hoạt động bán tín chỉ carbon, dù trước đó công ty đã góp phần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng trong ngành và đầu tư trực tiếp vào các dự án bảo vệ rừng, phục hồi đất suy thoái và phát triển công nghệ thu giữ carbon.
Bà Kara Hurst, Giám đốc phát triển bền vững của Amazon, nhấn mạnh công ty sẽ tận dụng “quy mô và các tiêu chuẩn thẩm định cao của mình để giúp thúc đẩy các khoản đầu tư bổ sung vào thiên nhiên”.
Theo thông báo phát đi vào tối thứ Tư, một số công ty như Flickr, tập đoàn tư vấn bất động sản Seneca và hãng điện tử tiêu dùng Corsair đã tham gia chương trình này.
Trước đó, vào thứ Ba, Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Cơ sở Khoa học (SBTi) – một tổ chức có ảnh hưởng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đặt mục tiêu giảm phát thải – cho biết các công ty có thể sử dụng tín chỉ carbon, nhưng chỉ nên giới hạn cho lượng khí thải tồn dư, tức phần nhỏ còn lại sau khi doanh nghiệp đã nỗ lực tối đa để cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, tổ chức này không hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng rộng rãi tín chỉ carbon để đạt mục tiêu khử carbon.
Quỹ Bezos Earth Fund, do nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos thành lập, từng là nhà tài trợ lớn cho SBTi cho đến tháng 11/2023, khi khoản tài trợ 18 triệu USD của quỹ này không được gia hạn.
Amazon cho biết các tín chỉ carbon của họ sẽ chỉ được bán cho các công ty đáp ứng những điều kiện nhất định, bao gồm việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero), bao phủ cả khí thải trực tiếp lẫn gián tiếp trong chuỗi cung ứng, đồng thời có cơ chế đo lường và công bố công khai lượng khí thải nhà kính.
Thái Hà (Theo Reuters)