Thế giới sẽ tiếp tục đà ấm lên đến 3,2°C vào năm 2100 nếu không tăng cường các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây là thông điệp mạnh mẽ mà Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) đã gửi tới các quốc gia toàn cầu.
Bắt buộc chuyển đổi xanh
Theo báo cáo mới nhất của FPT Digital, lượng phát thải trên thế giới đã tăng cao ở mọi lĩnh vực nhưng ngành công nghiệp sản xuất là ngành phát thải nhiều nhất, chiếm tới hơn 29% tổng lượng phát thải của toàn thế giới.
Nature cũng trong khảo sát năm 2021 chỉ ra, từ năm 1995 đến năm 2015, lượng phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật chất đơn thuần đã tăng đến 120%. Vì thế, nhu cầu về “xanh hóa” toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất dần trở thành xu hướng để doanh nghiệp đạt được các mục tiêu bền vững và kiến tạo mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững cho tất cả các bên liên quan.
Tại hội nghị COP28, chính phủ các nước đạt được thỏa thuận bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó mở ra thời kỳ ứng dụng cho các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cho các hoạt động sản xuất.
Bản thân các doanh nghiệp như Nippon Steel (ngành thép – Nhật), Ferrexpo (xuất khẩu quặng sét – Ukraine), Cemex (ngành xây dựng – Mexico)… cũng triển khai chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, theo FPT Digital, tỉ lệ thành công toàn cầu cho các sáng kiến bền vững đang ở mức thấp, chỉ đạt 4%. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều thời gian và công sức để đáp ứng thách thức và khó khăn, theo đuổi các cơ hội mới thông qua những thay đổi chiến lược mạnh mẽ, đổi mới sản phẩm, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác sáng tạo.
Việt Nam đã hành động gì?
Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và 27% bằng nguồn hỗ trợ quốc tế. Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ chấm dứt chặt phá rừng; đến năm 2040 sẽ xóa bỏ sản xuất điện than và sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chiến lược này của Việt Nam được đánh giá là rất tham vọng. Bởi theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể cần đầu tư thêm khoảng 368 tỉ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để theo đuổi lộ trình chuyển đổi xanh và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Và với chiến lược này, 1.912 doanh nghiệp lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính 2 năm/lần (thuộc 6 lĩnh vực gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông – lâm nghiệp). Bộ Tài nguyên & Môi trường dự kiến xây dựng lộ trình giảm phát thải và bộ tiêu chí đo lường cho các ngành, hứa hẹn thúc đẩy thêm hoạt động kiểm kê khí nhà kính.
Sau các cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26, 27, 28, Việt Nam cũng đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, ban hành chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh 2021-2030 tầm nhìn 2050, ban hành bộ tiêu chí phát triển bền vững VNSI21 – HOSE và sẽ thí điểm giao dịch thị trường carbon 2028.
Trước mắt, các ngân hàng tiên phong chuyển đổi xanh, dành ưu tiên cho tín dụng xanh phải kể đến VPBank, LVP, TPBank. Và tổng dòng vốn xanh đầu tư vào Việt Nam đã lên đến 7 tỉ USD, giai đoạn 2021-2022. Tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu đứng trước bài toán phải thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), tức đóng thuế trên toàn bộ lượng phát thải đến năm 2034.
Một số nhà sản xuất như An Phát, Hòa Phát, Hoa Sen đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến để giảm phát thải. Chẳng hạn, An Phát đã phát triển dòng sản phẩm bao bì AnEcO sinh học phân hủy hoàn toàn. Nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT của An Phát đã đạt công suất 30.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu xanh cho sản xuất. Hay Hòa Phát đã ứng dụng công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, tuần hoàn tái sử dụng. Công nghệ luyện than cốc sạch triệt tiêu toàn bộ khí, khói, các chất hóa học độc hại và thu hồi nhiệt năng, giúp Hòa Phát chủ động gần 50% nhu cầu điện sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công việc cần được thực hiện để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành sản xuất.
Ngọc Thủy