Thu hút đầu tư “xanh”, dự án sản xuất thân thiện môi trường… đang được nhiều tỉnh thành trong cả nước hướng đến. Tuy nhiên, việc lựa chọn giữa lĩnh vực đầu tư hay thẩm định công nghệ… để đạt tiêu chí “xanh” đang là sự băn khoăn của lãnh đạo một số địa phương, cơ quan xúc tiến đầu tư và cả các nhà phát triển bất động sản công nghiệp.
Đáng chú ý, một số địa phương hễ cứ nghe đến lĩnh vực dệt nhuộm hay sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất… là xếp ngay vào lĩnh vực gây ô nhiễm, loại ngay từ đầu dù nhà đầu tư cam kết sẽ lắp đặt công nghệ hiện đại, không tác động xấu đến môi trường.
Không ít nhà đầu tư nản lòng và chùn bước trước việc áp dụng một cách máy móc này của một số địa phương, chuyển dự án đầu tư đến các nền kinh tế khác.
Thời điểm nói lời từ chối với các dự án “nhạy cảm”
Với ngành dệt may, theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cái khó của ngành là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải sợi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu ở thị trường nước ngoài nên tính cạnh tranh chưa cao.
Thế nhưng, thời gian qua, có doanh nghiệp lớn trong ngành hoặc nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào dệt nhuộm sản xuất vải thì rất khó khăn trong việc tìm địa điểm. Thậm chí, nhiều địa phương vì sợ ô nhiễm môi trường nên không mặn mà với việc thu hút đầu tư hoặc cấp phép các dự án có khâu dệt nhuộm.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas, cũng từng nêu thực tế trên và khi trao đổi với KTSG Online về vấn đề này, ông cũng cho biết ở một số địa phương vì cho rằng ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này.
Thậm chí, theo ông Cẩm, có một số địa phương thẳng thừng từ chối các dự án sản xuất quy mô lớn có khâu dệt nhuộm, dù các nhà đầu tư khẳng định họ sẽ sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không tác động xấu đến môi trường.
Lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành và chuyên gia về công nghệ dệt nhuộm cũng cho rằng trong tình hình công nghệ với nhiều cải tiến và hiện đại hiện nay thì khâu xử lý chất thải môi trường trong hoạt động sản xuất của ngành là không còn quá khó khăn. Chỉ lo vấn đề doanh nghiệp có tiền để đầu tư không thôi.
Tuy nhiên không chỉ xảy ra với đầu tư vào dệt nhuộm mà đang có tình trạng một số địa phương vì có chủ trương thu hút các dự án sản xuất “xanh”, thân thiên môi trường mà ngay từ đầu đã gạt bỏ những lĩnh vực cho là “nhạy cảm” với môi trường thay vì yêu cầu xem xét yếu tố về công nghệ của dự án.
Tại Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải” nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bền vững về môi trường được tổ chức tuần vừa qua tại TPHCM, cũng được các địa phương, cơ quan xúc tiến và quản lý đầu tư, nhà phát triển bất động sản công nghiệp và chuyên gia tư vấn đầu tư thảo luận vấn đề này.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng đặt ra rằng việc chọn lát cắt “lọc ngành hay giảm phát thải” xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam do lãnh đạo một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào “có vẻ ô nhiễm” là không mặn mà, thậm chí gạt luôn đi.
Trong khi đó, ngoài dệt may, thì nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng…cũng là ngành công nghiệp chủ lực trong nước và đều là những ngành công nghiệp có thể gây ô nhiễm cao… Do đó, các công ty phát triển hạ tầng khó có thể xúc tiến dự án đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Phú Mỹ 3, cho rằng các cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh. Không thể chỉ nghe thấy doanh nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là “auto” xếp vào ngành ô nhiễm. Chính những rào cản này đã vô hình trung làm giảm cạnh tranh trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài.
Theo bà Nhi, khi đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì tất cả các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đều hướng tới đáp ứng 17 tiêu chí mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra. Khi đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để kiểm soát khí thải.
Trên thực tế, các tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất pin cho ô tô điện phải dùng nguyên liệu đầu vào từ quặng, nhưng họ đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư công nghệ cao với quy trình chặt chẽ. Và muốn đăng ký đầu tư họ sẽ phải trình xin chủ trương, chứng minh rất nhiều yếu tố liên quan đến môi trường.
Tương tự, theo ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tan Recycling), tái chế là ngành được khuyến khích và từ cộng đồng tới chủ trương của nhà nước rất hoan nghênh, rất được khuyến khích. Tuy nhiên khi thực tế xuống các địa phương thì có tình trạng họ “không chào đón, thậm chí không cho vào và bảo là chưa có chủ trương, chưa có chính sách”.
Trong khi Duy Tan Recycling đã được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp chứng nhận doanh nghiệp tái chế công nghệ cao. Nhà máy của công ty cũng đảm bảo tiêu chí 3 không là không chất thải, không rác thải và không khí thải.
Chọn lọc và thẩm định theo hướng công nghệ xanh
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, phần lớn KCN đa ngành với mô hình kiểu cũ, chưa có những KCN chuyên sâu và cũng chưa có KCN sinh thái. Do đó, bà Dương Thị Xuân Nương, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, cho biết địa phương không lọc ngành mà quan tâm đến việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, công nghệ sản xuất cao, sử dụng nguyên liệu tái tạo nhằm giảm phát thải.
Ở khía cạnh là cơ quan trực tiếp tiếp nhận dự án, cấp phép và quản lý sau đầu tư, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các KCX và KCN TPHCM (Hepza), cũng cho biết những năm gần đây nhiều nhà đầu tư muốn đặt cơ sở sản xuất tại TPHCM nhưng vấn đề khó khăn của thành phố là quỹ đất sản xuất công nghiệp và phần đất còn lại khá hạn hẹp để kêu gọi nhà đầu tư lớn.
Chính vì quỹ đất còn ít, ông Hưng cho biết, Hepza thu hút đầu tư ở tầm công nghệ cao để tăng hàm lượng đầu tư. Đáng chú ý, Hepza không phải lọc ngành mà là lọc công nghệ, giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư. Ông Hưng cho rằng, không nên đặt vấn đề chọn ngành gì, ngành thâm dụng lao động hay ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ công nghệ và thị trường sẽ điều tiết và điều chỉnh từng lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn vào.
Trên thực tế ý kiến của ông Hưng cũng không phải là không có cơ sở khi mà hàng chục năm trước ở giai đoạn đầu mới kêu gọi đầu tư, TPHCM cũng thu hút nhiều dự án đầu tư thuộc ngành nghề thâm dụng lao động. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khi lợi thế chi phí lao động tại thành phố này không còn cạnh tranh và thiếu hụt lao động phổ thông thì ngay lập tức các doanh nghiệp đã dần dịch chuyển sang các địa phương khác có lợi thế cạnh tranh về lao động hơn.
Giá đất sản xuất công nghiệp thuê cao và khan hiếm, cùng với lực lượng lao động phổ thông giảm dần khiến cho các nhà đầu tư mới khó có thể hướng vào TPHCM nếu không sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hay lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại…
Liên quan đến sản xuất xanh và thân thiện môi trường, trên thực tế thị trường các nước xuất khẩu chính của Việt Nam như khu vực EU, Mỹ, Nhật Bản… hiện không còn là khẩu hiệu hô hào mà đã luật hóa. Trên thực tế, những năm gần đây các nước và khu vực này ngày càng đặt ra hàng rào kỹ thuật về yêu cầu sản xuất xanh hóa, thân thiện môi trường, tái chế nguyên liệu… Theo đó, nếu doanh nghiệp, nhà sản xuất không đáp ứng về tiêu chí sản xuất “xanh hóa” này thì sản phẩm làm ra cũng bị loại ra khỏi cuộc chơi cạnh tranh này, ngay cả các thị trường có ưu đãi hàng hóa từ Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Theo các chuyên gia, thay vì thấy dự án đầu tư vào lĩnh vực chưa xanh, hay còn “nhạy cảm” với môi trường là từ chối, các địa phương nên chọn lọc thu hút đầu tư theo hướng thẩm định công nghệ.
Cho rằng tăng trưởng xanh không phải là sự lựa chọn mà là vấn đề sống còn, nhưng TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lưu ý quá trình xanh hóa không thể ngủ một đêm dậy là hôm sau xanh được. Lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối hài hòa với việc sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
“Chúng ta phải tránh được bẫy lọc ngành, thay vào đó là chú trọng công nghệ vì hệ thống kinh tế là một chuỗi giá trị mà chúng ta đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời phải tránh cái bẫy xanh hóa ngay lập tức. Có lộ trình phù hợp để phát triển kinh tế xanh là bài toán của Việt Nam”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, hiện có một số tỉnh thành không cho phép doanh nghiệp mở rộng dự án sản xuất dù họ đảm bảo các tiêu chuẩn như các nước phát triển. Hay thậm chí một số chỉ tiêu của bộ ngành đưa ra còn cao hơn cả các nước phát triển.
Ông Lộc lưu ý, nền kinh tế gần 100 triệu dân vẫn phải đảm bảo năng lực cạnh tranh, chặt quá thì nhà đầu tư chạy sang nước khác. Ông đề nghị cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành.
Do đó, không thể vì xanh mà từ chối các dự án đầu tư thuộc các ngành chưa có công nghệ hoàn toàn xanh. Nhất là khi các ngành này – như hóa chất, khai khoáng, luyện kim hay vật liệu – chính là nền tảng công nghiệp hỗ trợ.
Tương tự, TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, cho rằng đất nước đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu ngành: từ ngành phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải.
Ông Thiên cũng lưu ý lọc ngành, phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán xem bỏ cái gì trong ngành đó, thu hẹp như thế nào… Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những cú sốc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động.
TS Trần Đình Thiên lưu ý lọc ngành đầu tư phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán thu hẹp như thế nào. Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những cú sốc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động.
Về mặt thể chế, theo ông Thiên, tiêu chuẩn, tiêu chí là quan trọng hàng đầu. Phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chí thì tăng trưởng xanh mới vận hành được.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, cũng cho rằng đang có tình trạng thiếu cơ chế chính sách cho mục tiêu hướng đến kinh tế xanh nên có tình trạng thấy ngành nào cũng loại. Ông cho rằng sớm hình thành thị trường carbon (theo đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường là vào 2025 và vận hành từ 2028) và tính toán việc cấp quota ra sao.
Chuyên gia Lịch nhấn mạnh muốn doanh nghiệp làm gì thì Nhà nước phải ban hành chính sách, hệ thống pháp luật. Doanh nghiệp thấy chính sách đó có lợi thì họ làm, còn nếu chính sách rủi ro, không có lợi thì không ai làm.
Việt Nam đi rất sớm về chủ trương kinh tế xanh, rất nhiều chương trình hành động nhưng lại thiếu chính sách. Tất cả những đề án về kinh tế xanh phải được luật hóa để tạo khuôn khổ, định hướng.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người gần đây tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28), cho rằng tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Nên ứng xử như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển như thế nào cho phù hợp là câu hỏi mà nhiều quốc gia đang đặt ra…
Theo ông Sử, không thể loại trừ hết các ngành có dấu hiệu ô nhiễm mà chọn nâng cao công nghệ để giảm ô nhiễm và nâng hiệu quả khi chế biến, tinh lọc. Cần có quy trình của doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Siết ngay từ đầu vào từ nhà nước, nhà đầu tư, nhà cung cấp hạ tầng KCN. Như thế, ba “nhà” này cùng làm sẽ có quy trình rất chặt chẽ.
Lê Hoàng