Anh giám đốc trẻ tuổi đưa chúng tôi đi tham quan dự án điện gió trên biển ở Bạc Liêu, cho biết dự án đã phát điện nối lưới được hơn ba năm. Ngoài logo của công ty chủ đầu tư, tôi còn thấy có logo một tổ chức của Thụy Sĩ, thì ra, đó là logo của tổ chức mà dự án của anh ký hợp đồng bán tín chỉ carbon từ hơn hai năm nay.
Theo lời anh giám đốc, dự án này góp phần giảm phát thải CO2 nên anh đã ký hợp đồng bán tín chỉ carbon, tức phần giảm phát thải carbon, cho một tổ chức của Thụy Sĩ với giá 1,8 euro trên mỗi tín chỉ carbon (1 tín chỉ carbon tương đương 1 tấn CO2). Hơn hai năm nay, dự án của anh đã thu về hơn 500.000 euro nhờ bán tín chỉ carbon ngoài sản phẩm chính là bán điện cho điện lưới quốc gia.
Qua câu chuyện thì thấy việc bán tín chỉ carbon không khó chút nào, khách hàng là tổ chức nước ngoài tự tìm đến dự án, hai bên thỏa thuận và ký kết hợp đồng. Cuối năm, sau khi quyết toán lượng điện mà dự án sản xuất ra được Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua, có hóa đơn chứng từ kèm theo, cùng với văn bản hướng dẫn hệ số quy đổi năng lượng điện phát ra của điện gió tương ứng với giảm phát thải carbon của Bộ Tài Nguyên và Môi trường công bố, để tính toán với khách hàng mua tín chỉ carbon.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn công bố kết quả tính toán hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam cho các cơ quan, tổ chức có liên quan đến chương trình dự án giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Trong công văn này, Cục Biến đổi Khí hậu công bố hệ số phát thải của lưới điện năm 2021 là 0,7221 tCO2/MWh, tức mỗi Megawatt giờ điện phát thải 0,7221 tấn CO2. Ngoài công văn này, dự án điện gió nói trên còn gửi cho khách hàng nước ngoài báo cáo cuối cùng về nghiên cứu, xây dựng hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam cũng của Cục Biến đổi khí hậu, trong đó có hệ số phát thải chi tiết của từng loại hình phát điện.
Cụ thể, trong năm 2021, hệ số quy đổi của điện từ gió và mặt trời của Việt Nam là giảm phát thải được bình quân 0,823 tấn CO2 cho mỗi MWh, trong đó điện gió giảm phát thải tính cao hơn điện mặt trời.
Bán tín chỉ carbon không khó nhưng theo lời anh giám đốc dự án nói trên thì cái khó lại ở chỗ bán giá nào và khách hàng là ai. Anh kể rằng anh nghe nơi này, nơi kia, dự án rừng chỗ này chỗ kia trong nước nơi thì bán 5 euro, chỗ bán được 5 đô la mỗi tín chỉ carbon, trong khi dự án của anh chỉ bán được có 1,8 euro, bởi anh chẳng biết bán cho ai ngoài khách hàng ở Thụy Sĩ tự tìm đến. Cái khó, theo anh, là chưa có thị trường hay sàn giao dịch để anh biết mình bán đắt hay rẻ.
Người viết bài này vào thử trang web của tổ chức quốc tế có gắn logo ở dự án điện gió ở Bạc Liêu thì thấy tổ chức này đã hình thành một sàn bán tín chỉ carbon ngay trên chính trang web và có hơn 30 dự án giảm phát thải carbon được rao bán tín chỉ từ khắp nơi trên thế giới, thấp nhất là 10 đô la, còn cao nhất là 59 đô la cho mỗi tín chỉ carbon. Người mua chỉ cần chọn số tín chỉ mình cần mua và thực hiện các bước mua bán không khác gì mua hàng qua mạng trên Tiki, Lazada; đồng thời dự án nào đã bán được bao nhiêu tín chỉ đều thể hiện ngay trong bài giới thiệu, giống như mua hàng trên mạng người mua đều nhìn thấy sản phẩm ấy đã bán được bao nhiêu.
Nhưng công nhận họ rao bán tín chỉ carbon trên mạng khá công phu, dự án nào cũng giới thiệu dài hơn 1.000 chữ, đính kèm nhiều hình ảnh về công suất, đóng góp cho đời sống cộng đồng địa phương, môi trường sinh thái… không khác gì bài viết quảng bá sản phẩm để bán hàng trên mạng.
Thì ra cái khó khi bán tín chỉ carbon chính là quảng bá hình ảnh, dự án giảm phát thải của mình với khách hàng và cũng phải biết lên mạng tìm khách hàng, tuân thủ các quy định của sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Hồng Văn