Lúa đã gắn liền với đời sống của gần một nửa dân số thế giới, nhưng cách trồng cấy đã để lại lượng khí thải mê-tan đáng ngạc nhiên. Theo báo cáo của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu, trong số 42% lượng khí thải mê-tan toàn cầu mà ngành nông nghiệp tạo ra, 8% đến từ việc trồng lúa.
Nông dân trồng lúa bằng cách đổ nước ngập ruộng, tạo ra điều kiện yếm khí, nơi các sinh vật thải ra khí mê-tan (một loại khí nhà kính mạnh có khả năng làm nóng gấp 80 lần CO2 trong 20 năm đầu tiên sau khi thải ra). Trong ngắn hạn, khí mê-tan có tác động đáng kể đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tại Indonesia, Rize (công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp) đang giúp những người nông dân trồng lúa ở Đông Nam Á giảm lượng khí thải mê-tan bằng cách áp dụng các phương pháp nông nghiệp mới, đồng thời gia tăng lợi nhuận.
Siem Schreurs, người đứng đầu nhóm quan hệ đối tác của công ty khởi nghiệp này, cho biết, trồng lúa đứng thứ hai sau chăn nuôi, là nguồn phát thải lớn nhất trong nông nghiệp của Đông Nam Á.
Ông cho rằng, nhiều dự án thông qua chính phủ và cơ quan phát triển giúp nông dân áp dụng các phương pháp bền vững mới, nhưng tỷ lệ áp dụng còn rất thấp.
“Chúng tôi đang cố gắng cung cấp công nghệ phù hợp với người nông dân và đảm bảo họ áp dụng công nghệ này trong thời gian dài”, ông nói.
Rize sẽ tập trung vào việc hợp tác với những người nông dân sản xuất nhỏ. Dự án dựa trên kinh nghiệm trước đây của CEO Dhruv Sawney với nurture.farm (một ứng dụng nông nghiệp bền vững của Ấn Độ, thu hút 1,5 triệu người nông dân sản xuất nhỏ).
Thực tế, lúa không phải là cây trồng nhiều phát thải. Tất cả đều do kỹ thuật canh tác ngập nước, hình thành qua nhiều thế kỷ trên các đồng lúa. Đó là một quá trình tự nhiên khi chất hữu cơ phân huỷ trong môi trường thiếu oxy. Với các sinh vật kháng nguyên, đó là môi trường lý tưởng để phát triển và tạo ra khí mê-tan.
Tại Việt Nam và Indonesia, Rize đang thử nghiệm một kỹ thuật làm ướt và làm khô xen kẽ (AWD), trong đó ruộng lúa để khô cạn trong một khoảng thời gian trước khi bơm nước vào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, AWD làm giảm 50% lượng khí thải mê-tan. Rize hy vọng sẽ cải thiện được điều này thông qua các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm tiếp theo.
Đến nay, kết quả cho thấy giảm 35% lượng khí thải, nhưng phương pháp AWD còn mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.
Siem Schreurs lý giải, khi rễ cây thiếu nước, chúng sẽ phát triển mạnh hơn vì nhu cầu tìm nước nhiều hơn. Tới khi được cung cấp đủ nước, rễ sẽ phát triển mạnh, dẫn đến cây tốt hơn và năng suất cao hơn. Qua đó, việc bơm nước cũng ít hơn nhưng năng suất cây trồng cao, tiết kiệm năng lượng và nước. Dự án đã lắp đặt đường ống và đảm bảo cánh đồng khô cạn trong một số khoảng thời gian.
Theo Schreur, để khuyến khích nông dân tham gia áp dụng phương pháp AWD, dự án hỗ trợ người dân về tài chính và công nghệ. Các chuyên gia sẽ đến từng hộ dân hỗ trợ quá trình chuyển đổi, giám sát lắp đặt các đường ống và tư vấn cho nông dân.
Tại Việt Nam, dự án phối hợp với các hợp tác xã. Rize tổ chức các buổi đào tạo với các hợp tác xã chia sẻ những lợi ích của công nghệ.
Đại diện dự án cho rằng, cần có sự tham gia của các bên để hướng tới giảm khí mê-tan từ trồng lúa và nâng cao giá trị thương hiệu của gạo.
Duy Anh (Theo Euronews)