Cuộc khủng hoảng của ngành bảo hiểm California
Các đám cháy rừng dữ dội bùng phát ngay đầu năm 2025 đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân tại Los Angeles, đồng thời làm đảo lộn sự cân bằng mong manh giữa rủi ro khí hậu và bảo hiểm nhà ở tại bang California. JP Morgan Chase ước tính, thiệt hại được bảo hiểm có thể lên tới 20 tỉ đô la trong thảm họa gần như chắc chắn sẽ trở thành vụ cháy rừng gây thiệt hại nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Điều này được dự báo sẽ gây áp lực lớn lên ngành bảo hiểm nhà ở vốn đã gặp nhiều khó khăn của California. Các công ty trong khu vực đang chuẩn bị cho khoản lỗ lên tới hàng chục tỉ đô la, bao gồm các công ty như Chubb và Travelers, thường chuyên cung cấp bảo hiểm cho các bất động sản đắt tiền.
Một số công ty khác, chẳng hạn như Allstate và State Farm, gần đây đã ngừng bán bảo hiểm nhà mới tại California. Theo các doanh nghiệp, những quy định giới hạn việc tăng phí bảo hiểm nhà ở tại tiểu bang thường xuyên phải đối mặt với những vụ cháy rừng nghiêm trọng, đã khiến hoạt động trong những năm gần đây trở nên khó khăn.
Sự rời đi của các doanh nghiệp tư nhân khiến nhiều chủ nhà phải phụ thuộc vào hệ thống bảo hiểm công cộng của California, được gọi là FAIR Plan. FAIR Plan đã ghi nhận số lượng hợp đồng bảo hiểm tăng từ hơn 200.000 vào tháng 9/2020 lên hơn 450.000 vào tháng 9/2024. Mức bảo hiểm rủi ro của công ty này cũng tăng gần gấp 3, lên 458 tỉ đô la trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, theo báo cáo kế toán công khai gần đây nhất vào mùa xuân năm ngoái, công ty chỉ có 200 triệu đô la tiền mặt dự trữ thặng dư và 2,5 tỉ đô la tái bảo hiểm để chi trả cho số tiền đó. Trong trường hợp các khoản bồi thường vượt quá khả năng của FAIR Plan, các công ty bảo hiểm tư nhân có thể sẽ bị buộc phải tham gia hỗ trợ chi trả dựa trên thị phần mà họ nắm giữ trên thị trường bảo hiểm trong hai năm trước đó.
Một số nhà phân tích cho rằng tình trạng cháy rừng ngày càng gia tăng ở California có thể buộc giới chức tiểu bang phải xem xét lại toàn bộ hệ thống bảo hiểm nhà ở. Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các vụ cháy rừng ở tiểu bang, với các thành phố lớn và các khu vực có mật độ dân số cao ngày càng bị đe dọa.
Thách thức lớn với ngành bảo hiểm
Trước đó, không chỉ bang California, ngành bảo hiểm toàn cầu đã có một năm 2024 đầy thách thức do tác động từ biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Munich Re – tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới, các thảm họa thiên nhiên như bão, giông, lũ lụt, hỏa hoạn… đã gây ra thiệt hại 320 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Trong đó, khoảng 140 tỉ đô la thiệt hại được bảo hiểm, khiến 2024 trở thành năm tốn kém nhất của ngành kể từ năm 2017, khi bộ ba cơn bão Harvey, Irma và Maria tấn công nước Mỹ.
Khoảng hai phần ba tổng thiệt hại toàn cầu trong năm ngoái – tương đương 190 tỉ đô la, xảy ra ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribe. Đây là tỷ lệ cao hơn so với bình thường, chủ yếu là do các cơn bão Milton và Helene tràn vào Florida chỉ cách nhau hai tuần.
Còn tại Đông Nam Á, bão Yagi tràn vào bờ biển phía Nam của Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 9 khiến 850 người thiệt mạng, đánh dấu thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong năm 2024. Bão đã gây thiệt hại 14 tỉ đô la, trong đó, chỉ có 1,6 tỉ đô la được bảo hiểm.
Munich Re lưu ý, bên cạnh các mối nguy hiểm đỉnh điểm như các trận siêu bão, các mối đe dọa có quy mô tương đối nhỏ hơn như các cơn giông hiện cũng đang gây ra thiệt hại tích lũy tương đương với một cơn bão dữ dội. Ví dụ như các cơn giông kèm theo lốc xoáy tràn vào vùng Trung Tây nước Mỹ và bang Texas hồi đầu năm ngoái đã gây ra thiệt hại gần 13 tỉ đô la.
Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng phí hoặc rời bỏ thị trường
Theo các số liệu của Munich Re, tỷ lệ thiệt hại kinh tế được bảo hiểm trên tổng thiệt hại trong năm ngoái là 43%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử là khoảng 30%. Tuy nhiên, con số này vẫn cho thấy khoảng cách khá lớn, phản ánh một thực tế là nhiều tài sản hiện vẫn không được bảo hiểm trước những rủi ro từ khí hậu.
Tình hình thậm chí có thể sẽ còn tệ hơn nữa, trong bối cảnh các công ty bảo hiểm đang tìm cách tăng phí bảo hiểm hoặc vội vã rút lui khỏi một số thị trường dễ bị tổn thương nhất, khi đối mặt với những yêu cầu bồi thường ngày càng gia tăng.
Tại Canada, các công ty bảo hiểm đã chi trả 7,7 tỉ đô la cho các yêu cầu bồi thường do thời tiết khắc nghiệt trong năm 2024, bao gồm lũ lụt, cháy rừng và mưa đá.
Là những đơn vị tìm kiếm lợi nhuận, các công ty bảo hiểm đã nhanh chóng chuyển các chi phí này cho khách hàng. Phí bảo hiểm nhà ở đã tăng gần 350% trong hai thập niên qua, vượt xa mọi chi phí liên quan đến nơi trú ẩn khác, bao gồm cả tiền điện và tiền thuê nhà.
Không chỉ dừng lại ở việc tăng phí, Aviva Canada đã thông báo sẽ ngừng kinh doanh bảo hiểm nhà ở trực tiếp cho người tiêu dùng tại Alberta, trong khi Desjardins sẽ không cung cấp các khoản thế chấp mới cho các bất động sản có hơn 5% khả năng bị ngập lụt ở Quebec.
Xu hướng đáng lo ngại này cũng được phản ánh tại Mỹ – nơi chi phí từ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã tăng lên, trong bối cảnh nhiều người Mỹ có xu hướng di chuyển đến sinh sống tại những khu vực dễ bị bão lớn hơn. Theo AM Best – một công ty xếp hạng tín dụng toàn cầu, tổn thất bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm tài sản của Mỹ chi trả đã lên tới 47 tỉ đô la trong năm 2022 và 2023.
Hệ quả là phí bảo hiểm tài sản đã tăng hơn 30% kể từ năm 2020 – năm cuối cùng ngành này công bố lợi nhuận bảo hiểm. Và các công ty bảo hiểm vẫn đang tháo chạy khỏi thị trường. 7 trong số 12 công ty bảo hiểm hàng đầu tại California đã cắt giảm phạm vi bảo hiểm trong hai năm qua, hoặc rơi vào tình trạng phá sản. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền bang đã điều chỉnh quy định, cho phép các công ty bảo hiểm sử dụng các mô hình thảm họa dựa trên nhiệt độ tăng cao và hạn hán ngày càng trầm trọng khi thiết lập mức phí, thay vì chỉ dựa vào dữ liệu lịch sử.
Một báo cáo gần đây của Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ cũng cho thấy “biến đổi khí hậu đang thúc đẩy tỷ lệ không gia hạn hợp đồng bảo hiểm không chỉ ở các thị trường nhiều biến động như Florida, Louisiana, California, và Texas, mà còn ở cả các tiểu bang khác như Bắc và Nam Carolina, New England, Oklahoma, và Hawaii”. Xu hướng này khiến cho các kế hoạch bảo hiểm công, từng là lựa chọn cuối cùng, giờ đây trở thành lựa chọn hợp lý nhất, và đôi khi là duy nhất tại những thị trường mà các công ty tư nhân đã từ bỏ.
Gánh nặng chi phí dồn lên vai người tiêu dùng
Theo truyền thống, bảo hiểm là giải pháp đôi bên cùng có lợi. Chủ nhà trả một khoản phí bảo hiểm nhỏ để nhận được khoản bồi thường sau các thảm họa thiên nhiên hoặc tổn thất khác. Các công ty bảo hiểm thu được lợi nhuận bằng cách phân bổ rủi ro cho những chủ nhà trên khắp cả nước.
Tuy nhiên giờ đây những người sở hữu nhà đang phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại khi các công ty bảo hiểm đang chuyển những chi phí này cho người tiêu dùng, thông qua mức phí cao hơn và phạm vi bảo hiểm hạn chế hơn. Ở một số nơi, thậm chí các công ty bảo hiểm đã hoàn toàn ngừng phát hành các hợp đồng bảo hiểm mới.
Các chuyên gia ước tính, khoảng 10% số chủ nhà tại Mỹ hiện đang từ bỏ các gói bảo hiểm ngày càng vượt quá khả năng chi trả của họ, một tốc độ cao gấp đôi so với khoảng thời gian trước đó. Hoặc trong một số trường hợp, nhiều người đã phải bán nhà với lý do phí bảo hiểm đã cao hơn khoản thanh toán vay thế chấp. Tại Canada, nhiều người sở hữu nhà cũng đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn khi một số ngôi nhà không thể được bảo hiểm và mất giá trị.
Ngân Diệp (Nguồn: Washington Post, Financial Times, Corporate Knights, Insurance Journal, Bloomberg, Munich Re, DW, Reuters)