Báo cáo của EY cho biết, các doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương không hành động đủ nhanh để chống biến đổi khí hậu.
Tiến trình hướng đến mục tiêu Net Zero của họ đang chậm lại vào thời điểm cần tăng tốc để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris, được gần 200 nước nhất trí, nhằm khống chế mức tăng của nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Báo cáo nghiên cứu giá trị bền vững năm 2023 cho thấy ở châu Á-Thái Bình Dương, tiến độ hướng đến mục tiêu Net Zero chậm lại vào thời điểm quan trọng và các nỗ lực để tăng tốc giảm khí thải ngày càng khó đạt được hơn”, EY cho biết trong trong báo cáo công bố hồi tuần trước, bao gồm một cuộc khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu với các lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp trong khu vực.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10/2023 với 520 giám đốc cấp cao về phát triển bền vững tại các công ty quốc tế có doanh thu hàng năm ít nhất 1 tỉ đô la ở 10 ngành tại 23 nước. Khoảng 1/3 số người được hỏi làm việc tại các công ty thuộc nhiều ngành kinh doanh khác nhau ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong số này, 28% làm việc ở Trung Quốc, tiếp theo là 24% làm việc ở Nhật Bản và Úc.
Cuộc khảo sát cho thấy khoảng 65% doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ chi tiêu ở mức tương đương hoặc ít hơn cho nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong 12 tháng tới so với năm trước. 20% các nhà lãnh đạo phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong khu vực giải thích rằng chi phí tài chính để đạt được các cam kết khí hậu là quá cao, khiến họ phải lùi lại các mục tiêu đã đặt ra. Tại châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi, tỷ lệ trả lời như vậy chỉ ở mức 10%.
Chỉ 15% số nhà lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi ở châu Á-Thái Bình Dương cho biết công ty của họ cam kết đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2030 hoặc sớm hơn, trong khi 19% khác cho biết mục tiêu của họ là vào năm 2060 hoặc muộn hơn. Phần còn lại đặt mục tiêu Net Zero từ năm 2030 đến năm 2060.
Trên toàn cầu, năm mục tiêu trung bình cho Net Zero của các doanh nghiệp lớn đã bị đẩy lùi xa hơn, tới năm 2050, thay vì năm 2036 trong báo nghiên cứu của EY vào năm trước.
“Có thể có nhiều yếu tố đằng sau sự trì hoãn này, bao gồm cả thực tế là các công ty càng làm nhiều việc để đạt được mục tiêu Zero thì càng thấy rõ rằng đạt được mục tiêu đó mất thời gian, đặc biệt là thời gian để triển khai các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ thu khí thải”, Terence Jeyaretnam, lãnh đạo dịch vụ bền vững và biến đổi khí hậu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của EY, nói.
Jeyaretnam giải thích, cho đến khi bắt đầu thực hiện các kế hoạch bền vững, nhiều công ty mới cảm nhận đầy đủ các thách thức về quy định, tài chính, công nghệ hoặc dữ liệu.
Theo Jeyaretnam, đôi khi cam kết Net Zero ban đầu được đưa ra bởi một nhà lãnh đạo về tính bền vững hoặc thậm chí là CEO của doanh nghiệp, nhưng họ không phải lúc nào cũng có đánh giá chính xác các yếu tố thương mại cần thiết.
Trong khi đó, nghiên cứu về công bố rủi ro khí hậu thường niên lần thứ năm của EY cho thấy, chỉ 26% trong số 1.536 công ty thuộc 13 lĩnh vực ở 51 khu vực pháp lý đã đưa tác động định lượng của rủi ro liên quan đến khí hậu vào các bản công bố thông tin của họ.
Các sàn giao dịch chứng khoán ở hầu hết các trung tâm tài chính lớn trên thế giới dự kiến bắt đầu yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố những thông tin về lượng khí thải nhà kính trong hoạt động kinh doanh trong vài năm tới. Chẳng hạn tại Hồng Kông, quy định công bố thông tin này sẽ được thực hiện dần theo từng giai đoạn kể từ năm 2025.
“Đánh giá toàn cầu về các công bố thông tin liên quan đến khí thải cho thấy sự gia tăng về chất lượng báo cáo khí hậu có tác động đến khả năng thu hút đầu tư xanh của các công ty”, EY lưu ý.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, các công ty Nhật Bản nhận được điểm cao nhất, 59/100, về chất lượng công bố thông tin rủi ro khí hậu, so với 58 điểm của các công ty Hàn Quốc, 36 điểm của các công ty Ấn Độ và 30 điểm của các công ty Trung Quốc.
Chánh Tài (Theo SCMP)