Áp lực tăng lượng xe điện ở châu Âu
Triển lãm ô tô Paris, sự kiện diễn ra hai năm một lần, vừa khai mạc ở hôm 14/10. Các hãng xe lớn nhất châu Âu từ lâu tận dụng Triển lãm ô tô Paris để giới thiệu những thiết kế và công nghệ mới. Nhưng tại triển lãm lần này, họ hướng tới một chủ đề khác: xe điện giá rẻ.
Với việc người tiêu dùng đang e ngại chi phí sở hữu xe điện cao, Stellantis, Renault và Volkswagen có kế hoạch giới thiệu những chiếc xe điện giá rẻ mới nhất. Mục đích là để vực dậy tình trạng nhu cầu suy yếu từ năm ngoái khi các chính phủ ở châu Âu rút lại các chương trình trợ cấp xe điện.
Một số mẫu xe điện giá rẻ được trưng bày tại Triển lãm ô tô Paris, bao gồm một mẫu xe có giá dưới 20.000 euro do Leapmotor, đối tác Trung Quốc của Stellantis sản xuất.
Thương hiệu Citroën của Stellantis sẽ giới thiệu mẫu xe điện Citroën ë-C3 có giá bán 23.300 euro và phiên bản mới của mẫu xe điện mini Ami có giá bán dưới 10.000 euro.
Trong khi đó, Renault sẽ trưng bày mẫu xe R5 chạy điện với giá bán khoảng 25.000 euro.
Volkswagen sẽ trưng bày các mẫu xe mới công bố gần đây bao gồm Elroq, mẫu xe điện SUV thuộc thương hiệu bình dân Skoda của hãng này, có giá bán khoảng 33.000 euro.
“Chúng tôi cần phải chiến đấu vì đối mặt các thách thức khắp mọi nơi”, Luca de Meo, CEO của hãng Renault (Pháp) nói vào hồi đầu tháng này khi ông công bố dự án tái chế pin và hỗ trợ hoạt động kinh doanh xe điện của công ty.
Renault là nhà sản xuất ô tô lớn duy nhất ở châu Âu không đưa ra cảnh báo lợi nhuận không đạt kế hoạch. Volkswagen, Stellantis, BMW và Mercedes-Benz đều đã cắt giảm dự báo thu nhập vì hàng loạt vấn đề từ cạnh tranh gay gắt đến nhu cầu yếu ở châu Âu và hàng tồn kho tăng ở Mỹ.
Áp lực lên ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ gia tăng vào năm tới khi các mục tiêu phát thải mới của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Theo đó, các nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách tăng tỷ lệ xe điện và xe lai sạc điện (hybrid) trong tổng sản lượng xe, nếu không sẽ phải đối mặt với những khoản tiền phạt lớn.
Cuộc chiến giá sẽ là vấn đề
Các lãnh đạo trong ngành cho biết, việc đáp ứng các mục tiêu phát thải đang trở nên khó khăn hơn do tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện gần đây chậm lại. Người tiêu dùng đang nhạy cảm hơn về chi phí khi trợ cấp xe điện bị cắt ở các thị trường lớn như Đức.
Theo hãng tư vấn AlixPartners, nhiều nhà sản xuất ô tô ở châu Âu đã kêu gọi hạ thấp hoặc trì hoãn các mục tiêu phát thải để tránh các khoản tiền phạt có thể lên tới tổng cộng 51 tỉ euro trên toàn ngành vào năm 2030.
Phát biểu trước quốc hội Ý hồi tuần trước, Carlos Tavares, CEO của tập đoàn ô tô Stellantis cho biết, việc chuyển sang xe điện để tuân thủ quy định về hạn chế khí thải sẽ làm tăng thêm chi phí đáng kể cho các nhà sản xuất ô tô.
“Khi người tiêu dùng không muốn trả nhiều tiền hơn cho xe điện, chi phí sản xuất của chúng tôi đang tăng thêm 40%”, ông nói.
Nhà phân tích Henning Cosman của ngân hàng Barclays ước tính, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ tung ra hơn 100 mẫu xe điện trong năm nay ở châu Âu và khoảng 70 mẫu vào năm 2025. Tuy nhiên, ông cảnh báo, xu hướng giảm giá bán có thể dẫn đến một “mùa đông xe điện”
“Nếu bạn là người tiêu dùng, bạn sẽ cảm thấy việc mua một chiếc xe điện hiện nay là một sai lầm vì bạn biết rằng có thể mua được một chiếc tốt hơn với phạm vi hoạt động xa hơn, công nghệ mới hơn và rất có thể sẽ sớm có mức giá thấp hơn. Đó thực sự là vòng xoáy đi xuống”, ông giải thích.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã tập trung vào phân khúc thị trường xe điện đắt tiền hơn trong năm nay. Điều đó khiến họ ít có khả năng cạnh tranh với những hãng như BYD và Xpeng của Trung Quốc, có một số mẫu xe giá chỉ 20.000 euro, bằng một nửa mức giá trung bình của một chiếc xe điện ở châu Âu.
“Có thể xảy ra một cuộc chiến về giá xe điện, nhưng tôi không chắc các hãng xe châu Âu sẽ giành chiến thắng”, Alexandre Marian của AlixPartners nói.
Xe điện vốn chỉ mang tỷ suất lợi nhuận mỏng cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Vì vậy, họ càng chịu áp lực lớn khi bán các mẫu xe điện giá thấp hơn vào năm tới. Theo Barclays, trên toàn ngành công nghiệp ô tô, tỷ suất lợi nhuận gộp của xe điện thấp hơn khoảng 15 điểm phần trăm so với xe động cơ đốt trong.
Theo nghiên cứu do Renault tổng hợp, các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu sẽ cần thị phần xe điện trong tổng doanh số bán xe của khu vực này tăng lên 20-22% để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải. Nhưng hiện tại, mức thị phần này đang mắc kẹt dưới mức 15%.
Các nhà phân tích cho rằng, mục tiêu giảm phát thải có thể đạt được nếu các nhà sản xuất ô tô mua tín chỉ bù đắp carbon từ các đối thủ chỉ bán xe điện. Tuy nhiên, chi phí mua tín chỉ carbon đối với những hãng chậm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải như Volkswagen (Đức) và Ford (Mỹ) có khả năng sẽ kéo lợi nhuận của họ xuống thấp hơn nữa.
Luc Chatel, người đứng đầu PFA, tổ chức vận động hành lang ngành công nghiệp ô tô Pháp cho biết, các nhà sản xuất ô tô đang đầu tư hàng tỉ euro để chuyển sang xe điện.
Tuy nhiên, ông đưa ra cảnh báo về “mối nguy hiểm nghiêm trọng” đối với ngành xe điện.
“Người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến xe điện nữa. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất châu Âu chắc chắn sẽ phải trả tiền phạt ở châu Âu vào năm tới”, ông nói.
Lê Linh (Theo Financial Times, Bloomberg)