Ngày 16/6, tại TP.HCM diễn ra lễ phát động chiến dịch “Race to Net Zero” cùng diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon” do Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu và WWF-Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ hay sắp tới là Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu thì Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng phát triển thị trường carbon. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý và các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình đầu tư cho các giải pháp xanh, giảm phát thải và thực hiện các biện pháp để tạo ra và tích lũy “tín chỉ carbon” cho thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050 sẽ khiến thị trường tín chỉ carbon sẽ trở nên rất sôi động. Trước đây, giá của sản phẩm này chỉ khoảng 50 USD/tấn CO2e thì tới năm 2035 có thể tăng lên mức trung bình 120 – 150 USD/tấn CO2e. Đến năm 2050, giá có thể đạt tới 250 USD/tấn CO2e. Đây là mức giá mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải tự quyết định nên giảm lượng khí thải hay sẽ tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền cho phát thải đó.
“Race to Net Zero” là chiến dịch xuyên suốt đến năm 2050 về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi một sự chuyển đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta sản xuất, tiêu thụ và di chuyển. Ngành năng lượng là nguồn phát sinh của khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính hiện nay, do đó nắm giữ vai trò then chốt trong việc giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như gió hoặc mặt trời, sẽ làm giảm đáng kể lượng phát thải carbon.
Thị trường bao bì tự hủy tăng cả chục lần
Đối với các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, bà Phan Thị Thúy Phượng, Giám đốc Công ty THNN SX-TM-XNK bao bì thân thiện môi trường Phương Lan cho biết: So với cách đây 5 năm thì nhu cầu của xã hội đối với dòng sản phẩm túi nhựa thân thiện môi trường, túi tự phân hủy đã tăng đáng kể. “Cụ thể, như trước đây, mỗi tháng chúng tôi chỉ cung cấp ra thị trường vài chục tấn thì nay đã lên tới con số hàng trăm tấn. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm chỉ phục vụ cho các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng, siêu thị. Trong khi có tới khoảng 60%, rác thải nhựa khó phân hủy từ bao bì đến từ các chợ truyền thống rất khó kiểm soát”, bà Phượng phát biểu.
Cũng theo bà Phượng, hiện tại, trình độ sản xuất các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường của Việt Nam khá cao, chẳng hạn Công ty Phương Lan đã sản xuất các túi nhựa tự hủy sinh học từ nguyên liệu bột bắp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là thị trường còn hạn chế nên công ty phải rất thận trọng và chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng vì nếu không sản phẩm sẽ nhanh chóng trở thành rác trong kho dự trữ. Chính vì vậy, cần có chính sách khuyến khích các sản phẩm nhựa tự hủy cũng như kiểm soát, hạn chế bao bì nhựa truyền thống.
Chí Nhân