Lựa chọn giữa 27 quốc gia trên toàn cầu, tiếp tục xem xét thêm 13 tiêu chí khác nhau, cuối cùng Tập đoàn trang sức Pandora từ Đan Mạch đã quyết định chọn Khu công nghiệp VSIP 3 tại Bình Dương, Việt Nam. Đặc biệt, dự án này sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo.
Những mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam được xem là điểm hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hồi tháng 3, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên VBF, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh 3 bảo đảm, trong đó có bảo đảm về ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, hệ sinh thái xanh như lời cam kết để kêu gọi các doanh nghiệp FDI đồng hành cùng Việt Nam trong mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững.
Với dự án giá trị hơn 150 triệu USD, nhà máy Pandora Việt Nam cũng trở thành nhà máy thứ 3 của tập đoàn này dùng 100% điện từ nguồn năng lượng tái tạo khi 2 nhà máy trước đều dùng điện mặt trời.
Ông Alexander Lacik – Giám đốc Điều hành, Chủ tịch Pandora cho biết: “Điều quan trọng đối với chúng tôi trước hết là khả năng tiếp cận nguồn lao động. Thứ hai là sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chính phủ cũng như sự tập trung vào phát triển bền vững. Và tiêu chí thứ ba là khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng tốt. Nhà máy này cũng sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới trong ngành trang sức toàn cầu về dấu chân sinh thái, tái chế và khí thải CO2”.
Nằm bên cạnh nhà máy Pandora, nhà đầu tư đến từ Đan Mạch khác là Tập đoàn Lego cũng đang xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này trên thế giới.
Ông Jacob Jensen – Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch đánh giá: “Hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư đã tăng lên đáng kể, đồng thời các cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải carbon và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến của doanh nghiệp Đan Mạch”.
Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) ước tính rằng các tập đoàn đa quốc gia có đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hoà carbon, hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Một số doanh nghiệp thậm chí còn đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.
“Những dự án gần đây, đặc biệt tại khu vực phía Nam thu hút đều đề cao đến yếu tố xanh. Khi những tập đoàn đa quốc gia như Lego, ngay cả khách thuê lớn như DHL đều yêu cầu về mặt xanh”, ông Lê Trọng Hiếu – Công ty CBRE Việt Nam cho hay.
Ông Graham Stuart – Quốc vụ khanh, Bộ An ninh Năng lượng và Trung hòa Carbon, Vương quốc Anh nhận định: “Việc chuyển dịch sang sản xuất xanh hơn có ý nghĩa lớn khi xét về môi trường đầu tư, hiện nay năng lượng sạch là điều kiện mà các công ty trên thế giới đặt ra khi đến xây dựng nhà máy. Với Thỏa thuận Hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam nhận được 15,5 tỷ USD cho gói tài chính khí hậu để chuyển đổi năng lượng. Khoản đầu tư này có thể mở khóa nhiều dự án tiềm năng và tôi tin rằng quá trình này có thể tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới”.
Theo các chuyên gia, nếu khơi thông các chính sách, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng hiệu quả, trung hòa carbon. Từ đó, Việt Nam có thể nỗ lực trở thành một cứ địa sản xuất xanh hơn, sạch hơn của thế giới.
(VTV)