Trên đường phố, nhất là mùa nắng nóng, người đi đường dễ dàng bắt gặp cảnh người đàn ông mặc đồ bảo hộ lao động với phía sau yên xe là túi đựng đồ nghề như thợ điện nhưng lại treo cạnh bên là bình gas nhỏ, bằng khoảng một phần ba bình gas nhà bếp thông thường.
Đó là đồ nghề của các thợ bảo trì máy lạnh, sửa máy lạnh và bơm gas khi máy lạnh hết gas, hao hụt gas. Ít ai biết rằng, các loại gas bơm cho máy lạnh, gọi chuẩn xác là dung môi làm lạnh, không nguy hiểm cho tầng ozone thì cũng gây hiệu ứng khí nhà kính. Đây là lý do mà thế giới cũng như Việt Nam hiện đang cắt giảm sản lượng nghiêm ngặt các loại dung môi này. Cái bình gas nhỏ ấy chỉ nặng chừng 4-5 kg nhưng lại tương đương phát thải khoảng 7-9 tấn carbon.
Các loại gas thường dùng khi nạp gas máy lạnh là R410, R22 và R32. Gas R22 được giới khoa học gọi là Chlorodifluoromethan hay difluoromonochloromethan, là một chất hydrochlorfluorcarbon còn được biết đến với mã HCFC-22 mà trên thị trường thợ sửa máy lạnh gọi là R-22. R22 được sử dụng đầu tiên trên máy lạnh, giá thành rẻ, quá trình nạp gas khá đơn giản. Tuy nhiên, gas này có khả năng làm lạnh tương đối kém và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng ozone, dễ gây ngạt thở khi nồng độ gas trong không khí quá cao.
R32 hay còn gọi là HFC32 (Difluoromethane) là hợp chất hữu cơ có công thức hóa học CH2F2. R410A là tên gọi hỗn hợp hợp chất hữu cơ của Difluoromethane (CH2F2) và Pentafluoroethane (CHF2CF3). Cả hai đều là loại môi chất lạnh sử dụng phổ biến trong các máy lạnh dân dụng và công nghiệp hiện nay.
Theo các nghị định thư và cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu, hai năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Từ năm nay, Việt Nam bắt đầu quản lý gas dùng cho máy lạnh, loại trừ các chất HFC (môi chất lạnh nhân tạo có tên đầy đủ là Hydrofluorocarbon, ứng dụng thiết thực trong rất nhiều lĩnh vực, như dược phẩm, thực phẩm, điện lạnh, cứu hỏa…)
Mặc dù HFC, trên thị trường là gas R410A, R32, không phá hủy tầng ozone nhưng nó có khả năng gây hiệu ứng nhà kính và làm nóng lên toàn cầu cao, gấp hàng nghìn lần so với CO2. Hiện tại, 1 kg HFC gây hiệu ứng nhà kính xấp xỉ 1,8 tấn CO2, nên người thợ chở bình khí gas máy lạnh nặng 5 kg chạy ngoài đường ấy không khác gì đang chở hơn 9 tấn khí thải CO2. Vì lẽ đó, việc khai tử HFC chỉ là vấn đề thời gian.
Kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, tổng lượng tiêu thụ các chất HFC đã tăng dần qua từng năm và đạt hơn 5.600 tấn vào năm 2022. Nguyên nhân do việc ứng dụng HFC ngày càng trở nên phổ biến, tập trung vào 10 lĩnh vực: lạnh dân dụng, lạnh thương mại, lạnh công nghiệp, điều hòa không khí và bơm nhiệt, điều hòa không khí trung tâm, điều hòa không khí trong vận tải, lạnh vận tải, sản xuất xốp và dập cháy.
Theo lộ trình cam kết quốc tế, Việt Nam phải quản lý, loại trừ HFC từ năm nay và không gia tăng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2024 – 2028. Mức tiêu thụ cơ sở là trung bình lượng tiêu thụ của 3 năm 2020, 2021 và 2022, theo tính toán là 5.700 tấn, quy đổi tương đương phát thải 10,7 triệu tấn CO2. Các năm sau đó, lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm 10% trong giai đoạn 2029 – 2034; giảm 30% trong giai đoạn 2035 – 2039; giảm 50% trong giai đoạn 2040 – 2044 và giảm 80% từ năm 2045.
Vậy là, các thợ bơm gas máy lạnh từ nay tập làm quen dần với việc từ bỏ các bình gas như đi bơm lâu nay; nhà sản xuất, nhập khẩu và người sử dụng máy lạnh làm quen với công nghệ làm mát mới, an toàn, thân thiện với môi trường. Và cũng chắc chắn là người dùng máy lạnh sẽ phải trả tiền cao hơn so với việc bơm gas như lâu nay, có thể không chỉ là vài trăm ngàn đồng/ 1 kg gas mà là hàng triệu đồng.
Được biết, trong hành trình thay đổi này, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn có cả phương án đào tạo, tập huấn cho thợ máy lạnh, thợ bơm gas trước khi các bình gas nhỏ không còn nằm sau yên xe của người thợ.
Hồng Văn