Cuộc đua giành vị thế trong lĩnh vực năng lượng xanh giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang ngày càng gay gắt. Các chính sách như Đạo luật công nghiệp net zero (NZIA) của EU và Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo nhưng cũng đồng thời tạo ra sức ép cạnh tranh với Trung Quốc, nơi các khoản trợ cấp khổng lồ đã giúp nước này nhanh chóng dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện và pin.
Bốn năm trước, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney đã kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào tín chỉ carbon, dự đoán rằng thị trường này có thể đạt từ 50 đến 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ mục tiêu net zero. Ban đầu, các cam kết xanh từ các doanh nghiệp đã giúp thị trường tín chỉ carbon tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng hiện nay, tình hình đã đảo chiều. Theo báo cáo của Ecosystem Marketplace, tổng giá trị tín chỉ bán ra năm ngoái chỉ còn 723 triệu USD, giảm mạnh so với 2,1 tỷ USD vào năm 2021 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong năm nay.
Vấn đề lớn nhất của thị trường tín chỉ carbon nằm ở tính toàn vẹn của các dự án. Phần lớn các dự án tín chỉ hiện nay không trực tiếp loại bỏ khí CO₂ khỏi khí quyển mà chỉ cam kết ngăn chặn phát thải có thể xảy ra. Ví dụ, nếu một khu rừng được bảo vệ khỏi bị phá, lượng khí CO₂ mà khu vực này có thể thải ra sẽ được quy đổi thành tín chỉ carbon. Tuy nhiên, cách tính toán này rất dễ gặp sai lệch khi các nhà phát triển dự án so sánh kết quả của họ với những khu vực dễ bị phá rừng hoặc hưởng lợi từ các chính sách bảo vệ rừng của chính phủ. Ngoài ra, khi bảo vệ một khu vực, hoạt động khai thác gỗ có thể bị đẩy sang một khu vực khác chưa được bảo vệ, tạo ra vấn đề “rò rỉ”.
Nhằm khôi phục niềm tin, các tổ chức phát hành tín chỉ carbon đã bắt đầu xây dựng những tiêu chuẩn đánh giá mới khắt khe hơn. Hội đồng Tính toàn vẹn cho Thị trường Carbon Tự nguyện, nơi Mark Carney đóng vai trò quan trọng, đã công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng và cấp chứng nhận cho các phương pháp đạt yêu cầu. Hội nghị COP29 gần đây tại Baku cũng đã thông qua khung cơ chế trao đổi carbon mới của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi các tổ chức này thành công khôi phục lòng tin, thị trường vẫn đối mặt với thách thức về động lực khuyến khích. Việc mua tín chỉ carbon vẫn hoàn toàn tự nguyện và các doanh nghiệp mua tín chỉ có nguy cơ bị chỉ trích là “greenwashing” từ các tổ chức môi trường hoặc là đại diện cho “chủ nghĩa tư bản thức tỉnh” từ các luồng ý kiến bảo thủ.
Dù vậy, vẫn có những giải pháp tiềm năng. Một nhóm học giả Harvard đề xuất EU cho phép sử dụng tín chỉ carbon để giảm thuế nhập khẩu trong cơ chế thuế biên carbon, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các dự án xanh ở các nước đang phát triển và giảm thiểu xung đột liên quan đến chính sách thuế này. Trong khi đó, các nhà phân tích của Morgan Stanley dự đoán EU và các khu vực khác có thể sẽ cho phép doanh nghiệp sử dụng tín chỉ carbon để đáp ứng các nghĩa vụ về thuế carbon và giao dịch phát thải, với điều kiện tín chỉ này phải đến từ các dự án loại bỏ carbon trực tiếp khỏi khí quyển thay vì các dự án tránh phát thải.
Việc mở rộng các dự án loại bỏ CO₂ là điều cần thiết nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, thế giới cần loại bỏ ít nhất 100 tỷ tấn CO₂ trong thế kỷ này. Hiện tại, các công ty như Climeworks của Thụy Sĩ, với sự hỗ trợ từ các tập đoàn lớn như Microsoft và JPMorgan Chase, đã có những bước phát triển đầu tiên trong lĩnh vực loại bỏ carbon. Tuy nhiên, quy mô hiện tại vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu. Để thúc đẩy làn sóng đầu tư mới, chính phủ các nước cần tích hợp tín chỉ loại bỏ carbon vào các chương trình định giá carbon bắt buộc. Nếu muốn thị trường tín chỉ carbon tạo ra tác động lớn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, những bước đi này là điều không thể thiếu.
(Tham khảo THE FINANCIAL TIMES)