Cơ hội trong thách thức
Đến năm 2050, mức phát thải của Việt Nam có thể tăng gần 4 lần nếu ngành công nghiệp tiếp tục phát triển mà không áp dụng một số giải pháp công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính hay thực hiện thành công các thay đổi chính sách.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo kèm theo những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực và sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ của cộng đồng quốc tế.
Từ cam kết này, nhiều chính sách đã được ban hành. Tháng 7/2022, trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tuyên bố mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm 43,5% lượng khí nhà kính, đặt mục tiêu phát thải theo từng ngành đến năm 2030 và 2050, một số đề xuất định tính nhằm đạt được những mục tiêu này. Tháng 11/2022, Việt Nam đưa ra cam kết tự nguyện giảm phát thải 18,5% vào năm 2030 không có hỗ trợ quốc tế, và giảm 43,5% khi có hỗ trợ quốc tế.
Đánh giá của IEA, việc tăng cường sử dụng năng lượng sạch một cách hiệu quả có thể giúp giảm 1/3 lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực công nghiệp. Đây được coi là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để phát triển một nền công nghiệp bền vững. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự nỗ lực của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Nhiều chuyên gia nhận định, chiến lược “Net Zero” đem lại cơ hội lớn trong ngắn và dài hạn cho cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ có thể xem xét việc áp dụng chính sách hỗ trợ vốn để đẩy nhanh khả quá trình chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện với môi trường trong các ngành chủ chốt.
Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện cam kết “Net Zero”. Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thích ứng và thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn.
Xuất hiện những cái tên điển hình
Để hiện thực hóa cam kết Net Zero, Việt Nam hướng tới áp dụng mô hình phát triển kinh tế bền vững, chú trọng chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch và dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Doanh nghiệp chính là một trong những thành tố quan trọng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực cam kết này thành công.
Tại Hải Phòng, KCN Nam Cầu Kiền là một trong các KCN đi đầu trong việc cam kết theo đuổi mục tiêu “net zero” trong thời gian sớm nhất.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ, tại KCN Nam Cầu Kiền, trên 40% diện tích đất được xây dựng làm công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng cơ sở. Đến nay, 100% nước thải, khí thải, bụi, chất thải của các nhà máy trong khu công nghiệp được xử lý và đo đếm bằng hệ thống điện tử, quan trắc tự động, giám sát 24/24h… đảm bảo hệ sinh thái xanh, sạch. Tại KCN Nam Cầu Kiền, đã có tới 3 chuỗi sản xuất tuần hoàn và đang đi vào xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn thứ tư.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, mô hình khu công nghiệp sinh thái được cho là hướng đi quan trọng để thành phố phát triển bền vững. Đây là “sản phẩm sạch” thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó tính. Với với việc tham gia khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp có thể dễ dàng đạt chứng chỉ sản xuất xanh – giấy thông hành để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển bền vững hơn.
Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho biết, nguyên tắc chính để các nhà đầu tư thực sự đạt được mục tiêu phát triển bền vững đó là mang đến các giải pháp xanh, có trách nhiệm, đảm bảo các tiện nghi phục vụ sức khỏe con người và đảm bảo phúc lợi xã hội.
Để thực sự hiệu quả, một khu công nghiệp bền vững theo ông Dương, phải được xây dựng và vận hành tốt cả phần cứng và phần mềm.
Theo ông Trương An Dương, tại các dự án của Frasers Property Vietnam, khách thuê có thể tìm thấy các giải pháp xây dựng phù hợp với thiết kế tích hợp, các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn với các thông số kỹ thuật tiêu chuẩn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đầu tư bền vững.
Các nhà xưởng xây sẵn được thiết kế luôn hướng đến tính bền vững, với hệ thống chiếu sáng mật độ điện thấp và hệ thống đèn LED được sử dụng cho các khu nhà xưởng, các giải pháp và vật liệu carbon thấp, đồng thời lắp đặt mái năng lượng mặt trời để giúp người thuê tiết kiệm điện. Hệ thống cửa sổ, mái hiên, quạt thông gió và thoát khí thải cũng giúp cải thiện luồng thông gió tự nhiên trong khuôn viên và làm giảm nhiệt độ trong nhà. Trong khi đó, các cửa sổ có kích thước rộng giúp cung cấp đủ ánh sáng cho nhà xưởng, nhằm giảm tiêu thụ năng lượng.
Nhiều cái tên khác cũng liên tục được nhắc tới có thể kể đến như DEEP C, AMATA, KCN Nam Đình Vũ, Phú Mỹ 3, VSIP, Viglacera, Tràng Duệ …Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phát triển tất yếu của các mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam trong tương lai.
Theo lộ trình, đến năm 2025 Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 sẽ chính thực vận hành. Điều này giúp doanh nghiệp có động lực vì từ cơ sở này, họ sẽ được phân bổ lượng phát thải nhà kính dựa trên số liệu báo cáo của những năm trước đó.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI sẽ tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” vào 13h30 – 17h00, Thứ Năm, ngày 28/03/2024 tại Hội trường Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Tại Diễn đàn, các Nhà đầu tư, Nhà quản lý và các Chuyên gia đầu ngành chia sẻ thực trạng tăng phát thải CO2 tại các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay; Đưa ra các giải pháp giảm phát thải carbon ra môi trường KCN cũng như sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn tiến đến phát triển khu công nghiệp bền vững.
Thu Duyên